Đẩy mạnh chính sách tín dụng để phục vụ và phát triển nông nghiệp

Thứ sáu, 05/09/2014 15:20

(ĐCSVN) - Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO và tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do khu vực, song phương khác. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có sự điều chỉnh chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp để phù hợp với tình hình.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Theo ông Nguyễn Viết Mạnh Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ khi đổi mới đến nay, Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn. Nông nghiệp đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho nền kinh tế, đặc biệt là những giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua (từ năm 2008 đến nay).

Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn của nông nghiệp, nông thôn nơi có khoảng 70% dân cư sinh sống, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng để phục vụ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã tạo ra “kênh” dẫn vốn quan trọng trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách tín dụng đặc thù để phát huy lợi thế, tiềm năng và người nông dân trực tiếp sản xuất những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, như lúa gạo, cà phê, thủy sản...

Nhờ có những chính sách phù hợp và sự nỗ lực của ngành ngân hàng mà trong thời gian qua đầu tư tín dụng đã có tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hàng năm có mức tăng bình quân cao hơn mức tăng trung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so 31/12/2012 (mức tăng chung của nền kinh tế là 12,51%) và tăng gấp 2,29 lần so với năm 2009, là thời điểm trước khi ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù.

Mục tiêu của chương trình thí điểm này là: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện các mô hình liên kết với nông dân, xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường; Khuyến khích các mô hình này phát triển theo hướng nhiều doanh nghiệp dám đứng ra làm đầu mối liên kết với nông dân và nhiều nông dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào các mô hình này.

Chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung: Thứ nhất giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết. Ví dụ, cho vay để doanh nghiệp mua giống vật tư nông nghiệp ứng cho nông dân theo hợp đồng liên kết. Nông dân khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp và hoàn trả tiền ứng trước thì ngân hàng sẽ thu nợ.

Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nông nghiệp có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nông dân, chẳng hạn cho vay doanh nghiệp để mua giống, vật tư nông nghiệp để tạm ứng cho nông đân để sản xuất.

Thứ hai, việc cho vay tập trung vào liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân từ đó kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, chương trình có những hỗ trợ nhất định đối với các doanh nghiệp đựa lựa chọn thí điểm, cả về nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, tài sản đảm bảo so với điệu kiện chung của thị trường.

Với chương trình thí điểm này, ngành ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...để thí điểm chương trình tín dụng này với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như là lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu... Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), Ngân hàng Nhà nước tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Để chương trình thí điểm có thể thành công, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách khác, như chính sách về bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp (hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai thí điểm, cần sớm tổng kết và nhân rộng); vấn đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); vấn đề về quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hỗ trợ pháp lý và cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp và người sản xuất (Bộ Công thương); chính sách về đất đai, dồn điền đổi thửa... và sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý quy hoạch, quản lý thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các mô hình liên kết phát triển./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực