Đẩy mạnh liên kết trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 29/08/2014 21:28

(ĐCSVN)Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, trong giai đoạn hiện nay, khoa học - công nghệ là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai và vốn: Đất đai manh mún, chậm dồn điền đổi thửa; vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm mà độ rủi ro tương đối cao.,, Do vậy, các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn tham gia.

Theo Hiệp Hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE), hiện cả nước mới chỉ có 6 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Trên thực tế, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức “Nhà nước đầu tư, Nhà nước quản lý” hay mô hình “Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp quản lý” thì tỷ lệ thành công rất thấp. Kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, mô hình “Doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp quản lý và Nhà nước hỗ trợ” đem lại thành công nhiều hơn. Vì vậy, rất cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và phổ cập áp dụng công nghệ tiên tiến theo mô hình liên kết công - tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra một số gợi ý chính sách thúc đẩy liên kết công - tư và khuyến khích doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cần phát huy mô hình “Doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp quản lý, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đó, doanh nghiệp tự đầu tư và tự lựa chọn mô hình tốt nhất để sử dụng và tự quản lý đồng vốn của mình nhằm tăng hiệu quả. Nhà nước có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Nhà nước thiết lập các quy chuẩn, thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, công khai quy hoạch và chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Chính quyền địa phương ở những khu vực ứng dụng công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, vận động người dân tham gia và ủng hộ doanh nghiệp. Qua thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Nhà nước tổng kết, đúc rút kinh nghiệm những mô hình thành công, tiến hành cho triển khai nhân rộng.

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp tự lựa chọn mô hình ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp quản lý. Bên cạnh các hỗ trợ về thủ tục và chính sách, cũng có thể tính tới các hình thức đối tác công - tư chặt chẽ hơn trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng có thể tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất và nông dân được hưởng lợi trên tỷ lệ vốn góp. Doanh nghiệp và nông dân có cam kết cụ thể bằng văn bản và dưới sự bảo hộ của chính quyền địa phương (đại diện cho Nhà nước).

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cần áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc miễn tiền thuế có thời hạn đối với việc thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục dành ưu tiên cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt cho các doanh nghiệp đứng ra đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất và vốn vay dài hạn tính theo chu kỳ sản xuất.

Đặc biệt, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nhà nước hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất.

Phát triển hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, cập nhật tiêu chuẩn chất lượng đối với từng sản phẩm ở các thị trường khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa thương vụ và doanh nghiệp trong nước; tiến hành các đàm phán về kỹ thuật song phương (thú y, bảo vệ thực vật...) với các đối tác để tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường; tổ chức chương trình nghiên cứu đánh giá, dự báo tác động và hình thành hệ thống giám sát việc thực hiện để đảm bảo tránh các tác động xấu có thể xảy ra đối với doanh nghiệp và người nông dân tham gia sản xuất hàng hóa

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực