Đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi

Thứ tư, 10/12/2014 14:24

(ĐCSVN) - Trong nông nghiệp, chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng, đứng thứ 2 sau trồng trọt về đóng góp giá trị sản xuất. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngành chăn nuôi vẫn chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm. Điều này đặt ngành chăn nuôi trước đòi hỏi cấp bách đẩy mạnh tái cấu trúc toàn ngành.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: V.T)


Những bất cập…

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, ngành chăn nuôi Việt Nam tăng nhanh và chuyển từ quy mô chăn nuôi nhỏ sang các hộ và trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhanh, nguyên nhân là do gặp phải nhiều rủi ro dịch bệnh, bị cạnh tranh bởi hộ quy mô lớn và không được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Hơn nữa, chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường nước ngoài từ nhập khẩu giống, nhập khẩu thức ăn, nhập khẩu thuốc thú ý ngày càng tăng và chịu sự canh tranh ngày càng gay gắt của sản phẩm thịt nhập khẩu, và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng, khách sạn..).

Thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị điều khiển bởi một số công ty lớn. Các công ty thức ăn nước ngoài FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng theo các năm gần đây, có hiện tượng liên kết định giá lỏng lẻo khi các công ty nhỏ định giá theo các công ty lớn, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn, chi phí nghiên cứu và phát triển cao. Từ đó, định giá bán thức ăn chăn nuôi cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hệ thống dịch vụ thú y công kém hiệu quả và dịch vụ thú y do các công ty tư nhân kiểm soát.

Bên cạnh đó, dịch vụ thú ý bị chi phối bởi các công ty tư nhân từ khâu cung cấp tư vấn, thông tin, đào tạo và bán thuốc, dẫn đến nguy cơ thị trường bị thiên lệch, tạo ra quá nhiều loại thuốc, giá đắt và gay thiệt hại nông dân nhỏ bị thiệt. Hệ thống giết mổ, phân phối thịt tạo ra thế độc quyền địa phương, các lò mổ và kênh phân phối địa phương lấy phần lớn giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị, khiến người chăn nuôi chịu thiệt thòi.

Đáng chú ý, nhập lậu thịt chất lượng kém, thịt bẩn qua đường tiểu ngạch là mối đe dọa rất lớn đến ngành chăn nuôi Việt Nam. TPP sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi nhỏ nhiều hơn so với người chăn nuôi quy mô lớn. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sẽ không bị ảnh hưởng lớn, mà còn phát triển thêm để thay thế các hộ chăn nuôi quy nhỏ. Hệ thống thông tin bất đối xứng dẫn đến tình trạng chọn lọc ngược khiến sản phẩn bẩn, sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm ưu thế và được lựa chọn đưa vào thị trường.

Tích cực hơn nữa tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Để khắc phục những tồn tại của ngành chăn nuôi và tạo được sự đột phá trong ngành chăn nuôi, việc cần làm hiện này là tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tái cơ cấu ngành đã xác định được 3 vấn đề quan trọng cần quan tâm, gồm: công tác quản lý về giống, thức ăn dành cho chăn nuôi và vấn đề thị trường. Đây là những yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng kinh doanh và sản phẩm chăn nuôi.

Theo nhận định của các chuyên gia, cần xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước. Đặc biệt xác định được vị trí và quan hệ giữa chăn nuôi quy mô nhỏ và quy mô lớn. Chiến lược chăn nuôi cần linh hoạt, hướng tới mực tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững, ổn định, cung cấp sản phẩm thịt chất lượng sạch với giá chấp nhận được. Hướng tới cải thiện và nâng cao dinh dưỡng và sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt, kiểm soát chặt nhập lậu thịt qua biên giới, nhất là thịt bẩn và chất lượng xấu. Đối với nhập khẩu chính ngạch cần xây dựng hàng rào kỹ thuật cao, hạn chế sản phẩm chất lượng thấp, có dư lượng thuốc, hóa chất trong thịt.

Kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi. Có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vai trò của các công ty thức ăn chăn nuôi trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tạo dựng thị trường mới, giới thiệu khoa học công nghệ mới và phát triển thị trường chăn nuôi trong nước. Siết chặt khâu kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi. Áp dụng các bộ tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường cho các hô chăn nuôi. Phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn (GAHP) như là yêu cầu bắt buộc. Hạn chế chăn nuôi quy mô vừa và quy mô lớn trong các khu dân cư. Chăn nuôi siêu nhỏ trong khu dân cư cũng dần phải loại bỏ.

Đồng thời, kiểm soát hiệu quả thị trường thuốc thú y. Nâng cao vai trò thông tin và phổ biến kiến thức của hệ thống dịch vụ thú y công. Thắt chặt khâu đăng ký và kiểm soát việc giới thiệu các loại thuốc thú y mới. Kiểm soát nội dung tập huấn, hội thảo của các công ty thuốc với người dân.

Xây dựng mạng lưới kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm với hệ thống giết mổ và phân phối thịt. Dần loại bỏ các cơ sở giết mỏ quá nhỏ, trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh cho các điểm bán thịt lẻ. Các tiêu chuẩn về bảo quản, bao gói, bàn inox, và dần quy định phải có liên kêt và hợp đồng với các điểm giết mổ đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề. Hướng tới mục tiêu 100% thịt được tiêu thụ qua hệ thống giết mổ và bán lẻ phải là thịt có xác nhận GAHP và có nguồn gốc.

Ngoài ra, cần hình thành hiệp hội người tiêu dùng thịt là cơ quan đấu tranh cho quyền lợi của người tiêu dùng. Hiệp hội tiêu dùng có chức năng kiểm tra, xác nhận tiêu chuẩn và uy tín của các hệ thống cung cấp và phân phối thịt nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi cũng như đẩy mạnh tái cơ cấu, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020”. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực