|
Ông Trần Xuân Định (Ảnh: HNV) |
(ĐCSVN) – Trao đổi về việc sản xuất và sử dụng phân bón thực sự hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất nông nghiệp, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cần đẩy mạnh thông tin cũng như tuyên truyền về mặt hàng chiến lược quan trọng này của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.
Theo ông Trần Xuân Định, Việt Nam là một nước nông nghiệp với 70% dân cư sống và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp là nhân tố quyết định xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và đặc biệt góp phần ổn định chính trị xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, các lĩnh vực khác gặp khó khăn thì nông nghiệp luôn được xem là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Vài thập niên qua, nông nghiệp Việt Nam có những bước đột phá, không những đã giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực trong nước mà còn cho nhiều nước trên thế giới với hàng loạt ngành hàng xuất khẩu đứng ở vị trí tốp đầu thế giới. Đáng chú ý, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của ngành đã tăng liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước các thách thức vô cùng lớn: giá thành, năng lực cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đặc biệt hơn là vấn đề chất lượng sản phẩm nông sản, thương hiệu và tính ổn định, bền vững. Bởi thế, mục tiêu của phát triển nông nghiệp trong những thập niên tiếp theo là chuyển từ tư duy số lượng sang tư duy về giá trị; cơ cấu lại các ngành hàng và tìm hướng đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân; hướng sản xuất nông nghiệp vào việc áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tập trung nâng cao trình độ chế biến nông lâm thuỷ sản, tăng khả năng cạnh tranh, hạ giá thành với những hướng đi mới.
Phân tích về vai trò của phân bón trong sản xuất nông nghiệp, ông Trần Xuân Định khẳng định: có nhiều yếu tố tác động đến năng suất và chất lượng sản phẩm nhưng phân bón luôn đóng vai trò quan trọng. Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu về phân bón của Việt Nam rất lớn, bình quân mỗi năm sử dụng 8-9 triệu tấn phân bón các loại cho việc thâm canh cây trồng. Đó cũng là lý do ở Việt Nam phân bón được xếp vào loại mặt hàng chiến lược quan trọng.
Những năm gần đây, mặc dù ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc; một loạt các nhà máy sản xuất phân Urea, NPK, DAP được xây dựng và đi vào sản xuất, song hiện, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập ngoại một số lượng phân bón, hóa chất phục vụ cho lĩnh vực sản xuất phân bón từ các nước là không nhỏ.
Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm 2013, cả nước đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 788,4 triệu USD, tăng 33.28% về lượng và tăng 20,4% về giá so với cùng kỳ năm 2012. Tính riêng tháng 6/2013, đã nhập khẩu 473 nghìn tấn, trị giá 166,3 triệu USD.
|
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chất lượng phân bón, phát hiện phân bón giả (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải quan) |
Cũng theo Cục phó Trần Xuân Định, phân bón thuộc lĩnh vực “nóng” ở các diễn đàn với các thông tin về diễn biến thị trường, giá cả, cung - cầu hầu như diễn ra không ổn định gây không ít khó khăn cho nông dân và cho sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, các văn bản quản lý còn bất cập; không quản lý được từ “gốc”; trách nhiệm đôi khi chồng chéo và không rõ ràng càng khiến cho tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trở nên nhức nhối ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như gây thiệt hại cho bà con nông dân, làm người nông dân bị mất phương hướng, niềm tin trong việc lựa chọn nhà cung ứng và loại phân bón đưa vào sử dụng.
Phân bón và hóa chất là yếu tố đầu vào chiếm khoản chi phí lớn nhất trong trồng trọt của nông dân hiện nay. Theo tính toán, chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay và trung bình sử dụng phân bón quyết định 50% tổng sản lượng cây trồng tăng lên hàng năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng, mang lại năng suất cao thì ngoài việc sử dụng loại phân bón đảm bảo chất lượng, còn rất cần những kiến thức khoa học trong sử dụng phân bón sao cho hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo năng suất, bảo vệ môi trường, mang lại sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Bởi thế, rất cần các giải pháp để việc sản xuất, sử dụng phân bón và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp sẽ thực sự đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường, đồng thời lành mạnh hóa thị trường phân bón Việt Nam, kiên quyết nói không với phân bón giả, phân bón kém chất lượng.