Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả cơ giới hóa nông nghiệp các tỉnh phía Bắc

Thứ năm, 30/05/2013 14:05

(ĐCSVN) – Việc sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp (cơ giới hóa nông nghiệp) thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thay thế lao động chân tay và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những năm trước đây.

Điều này đòi hỏi, tới đây, cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp trên cả nước, trong đó có khu vực các tỉnh phía Bắc.

Thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp các tỉnh phía Bắc hiện nay

 

 Máy gặt lúa tiết kiệm thời gian và công sức của nông dân. (Ảnh: HNV)

Theo Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thu hoạch bằng máy bình quân 2,1-2,5 triệu đồng/ha, giảm từ 500-900 ngàn đồng/ha so với cắt bằng tay đồng thời giảm tổn thất ở khâu này từ 5-6% xuống còn 2%...Hiệu suất sử dụng máy cao, tùy loại máy, năng suất thu hoạch đạt từ 200-300ha/năm và người đầu tư chỉ trong vòng 2-3 năm là trả hết nợ và gần như không có tình trạng nợ xẩu, mức độ rủi ro thấp khi cho vay vốn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất trong nông nghiệp.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, hệ thống dịch vụ máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp thông qua các cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm thực hiện các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng trên cả nước phát triển nhanh. Hiện có 1.267 cơ sở, trên 18.000 người chuyên kinh doanh; 1.218 cơ sở với 14.146 người chuyên sửa chữa, bảo dưỡng bảo hành máy móc, thiết bị trong nông nghiệp. Cũng theo số liệu thống kê này, các dịch vụ phần lớn do tổ hợp tác và tư nhân đảm nhiệm, chiếm khoảng 80% số cơ sở dịch vụ.

Riêng về cơ giới hóa nông nghiệp các tỉnh phía Bắc, tổng hợp báo cáo của một số tỉnh phía Bắc tính đến hết năm 2012 cho thấy, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất trồng lúa trên bình quân 76,4% ( cũng khá cao so với cả nước đạt 89,5%), trong đó, Nam Định đạt mức cao nhất (100%). Hiện, khu vực đồng bằng sông Hồng có trên 1.500 máy gặt lúa các loại trong đó có 1.206 máy gặt đập liên hợp còn lại là máy gặt rải hàng, cơ giới hóa thu hoạch bình quân trong vùng đạt 12%, trong đó Thái Bình cao nhất (20-25%)...

Để khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, một số tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân mua máy, thông qua các mô hình thí điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích hỗ trợ kinh phí thực hiện “dồn điển đổi thửa”, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống tưới, tiêu gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như Thái Bình với cơ chế hỗ trợ 50% đơn giá máy sản xuất trong nước và nước ngoài cho máy làm đất đa năng có công suất từ 25CV trở lên, máy gặt đập liên hợp có công suất từ 40CV trở lên; hỗ trợ 70% đơn giá mua máy sấy cho 3 huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư, mỗi huyện 2-3 xã điểm, có diện tích trồng đậu từ 100ha trở lên. Hay như Hà Nội, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT thời hạn tối đa 3 năm ở một số mô hình thí điểm như: Cánh đồng khu Thượng Đoạn (Thanh Trì); xã Đại Thắng, Phú Xuyên...

Đáp ứng các yêu cầu cụ thể để cơ giới hóa nông nghiệp hiệu quả

Nhìn chung, để cơ giới hóa nông nghiệp phát huy hiệu quả, cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Kết cấu hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng yêu cầu cho máy hoạt động như: độ bằng phẳng của đồng ruộng, kích thước lô thửa phải đủ lớn, có đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu chủ động phục vụ cho gieo cấy và thu hoạch. Thêm vào đó, phải thực hiện các quy trình kỹ thuật canh tác khoa học, thống nhất; thực hiện cơ giới hóa từng khâu tiến tới đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc tới thu hoạch; có khả năng đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu sản xuất, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất theo tinh thần Quyết định số 63&65 của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế bán hàng trả chậm 30-50%, tăng cường liên kết doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Đặc biệt, lưu ý tới chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trên tinh thần Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản cũng như Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTG về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch với nông – thủy sản... Cần tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đồng thời tiếp tục bổ sung, sửa đổi Quyết định 63 theo hướng bổ sung một số máy có nhu cầu cao nhưng cơ khí trong nước chưa đáp ứng được như máy gặt đập liên hợp lúa, máy kéo công suất lớn... Ngoài ra, cũng tập trung tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực sử dụng máy móc cơ giới thông qua chương trình đào tạo nghề thuộc chương trình nông thôn mới và các hoạt động khuyến nông; tổ chức lại sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các loại dịch vụ hiệu quả ở nông thôn.

Đồng bộ giải pháp phát huy hiệu quả cơ giới hóa nông nghiệp

Để phát huy hiệu quả sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cũng kiến nghị một số giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, kết hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ tập trung với việc tổ chức lại sản xuất, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thích nghi với việc áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa, được ưu tiên chỉ định mua sắm máy móc với các chính sách ưu đãi về tín dụng, về đào tạo nhân lực và nâng cao trình độ quản lý.

Các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện người dân tham gia vào thị trường, xóa bớt đầu mối trung gian, liên kết chặt chẽ các chuỗi giá trị trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người làm dịch vụ và chế biến.

Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.

Các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức chế tạo hoặc lặp đặt các máy nông nghiệp có tính chuyên dụng cao...

Nhà nước cũng cần đẩy mạnh khuyến khích nhập khẩu đối với những máy móc, thiết bị trong nước chưa chế tạo được hoặc còn đang nghiên cứu dở dang nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.

Thứ tư, xã hội hóa công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo ngắn hạn, gắn với chuyển giao máy móc, công nghệ. Người học nghề sử dụng, vận hành máy nông nghiệp, bảo quản nông sản được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đối với con em hộ nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số được trợ cấp thêm học bổng và hỗ trợ các điều kiện khác để theo học.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực