Giải pháp mở rộng diện tích áp dụng mạ khay – máy cấy các tỉnh phía Bắc năm 2013

Thứ năm, 18/04/2013 17:43

(ĐCSVN) – Ngày 18/4, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông – Nông nghiệp trao đổi kinh nghiệm về mạ khay – máy cấy trên địa bàn các tỉnh phía Bắc năm 2013.

 

 Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: Hà Lê)


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông cho biết: Đồng bằng sông Hồng là 1 trong 2 vùng trọng điểm sản xuất lúa, cũng là cái nôi của nền văn minh lúa nước, đã được hình thành từ hàng nghìn năm. Tính đến hết năm 2011, toàn bộ khu vực có 607.900 ha đất lúa với khoảng 1,8 triệu hộ làm nông nghiệp, chiếm 45,4%. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng về thủy lợi chưa hoàn toàn chủ động nên quá trình sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn, chưa thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới với trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt hỗ trợ xây dựng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa bao gồm các mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đấtm gieo cấy, thu hoạch và chế biến bảo quản. Các mô hình đã được triển khai từ năm 2000 đến 2010, nhiều mô hình điểm được đánh giá cao, trong đó có mô hình cơ giới hóa khâu gieo cấy bằng công cụ sạ lúa theo hàng. Năm 2012, mô hình máy cấy mạ khay được thí điểm tại huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa, Hà Nội đã đem lại hiệu quả cao, tăng năng suất lao động, chủ động thời gian cấy, giảm lượng giống, thúc đẩy dồn điển đổi thửa tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, còn khó khăn là phải có kế hoạch gieo cấy tập trung cùng thời điểm, cùng loại giống mới phát huy tối đa hiệu quả sử dụng máy. Do đó, trong giai đoạn 2014-2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị sẽ triển khai các mô hình máy cấy lúa trên diện rộng và thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình này.

Tại Diễn đàn, đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã thông tin khái quát về Quy trình công nghệ cơ giới hóa sản xuất lúa sử dụng mạ thảm. Theo đó, giới thiệu chi tiết về từng bước áp dụng các khâu sản xuất lúa, trong đó gieo cấy mạ khay – máy cấy. Đại diện của Viện này cũng cho rằng, để thực hiện đẩy đủ các khâu canh tác cần trang bị hệ thống thiết bị máy móc và điều kiện đất đai đồng ruộng cũng như tổ chức canh tác một cách đồng bộ. Nhân dịp này, Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cũng bày tỏ hy vọng với quy trình đồng bộ đã xây dựng, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa, tiến tới cơ giới hóa 100% các khâu canh tác lúa.

 

 Mô hình mạ khay - máy cấy tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)


Cũng tại Diễn đàn, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã cho biết, vụ xuân và vụ mùa 2012, Trung tâm đã hỗ trợ mở rộng thêm 70ha triển khai mạ khay – cấy máy. Trong vụ xuân 2013, diện tích lúa cấy bằng máy tăng lên 1500ha, trong đó hơn 1000ha ở địa bàn huyện Phú Xuyên. Hiện, diện tích lúa này đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc áp dụng phát triển công nghệ mạ khay – máy cấy góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân là hướng đi tất yếu của chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Vì thế, cần nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này.

Trong khi đó, trên thực tế áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nói chung, áp dụng thiết bị kỹ thuật máy cấy – mạ khay trong sản xuất lúa nói riêng của Bắc Ninh, đại diện Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh cho rằng, việc làm này đúng đắn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, giảm đáng kể chi phí thuê nhân công, hiệu quả kinh tế nâng cao đồng thời xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng nông sản đảm bảo, đủ sức cạnh tranh trên thị trường về giá trị và chất lượng. Bắc Ninh cũng kiến nghị, cần triển khai tốt công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng sản xuất và “dồn điển đổi thửa” hiệu quả.

Đồng quan điểm này, đại diện Trung tâm khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng cho rằng, cần thực hiện các giải pháp huy động đa dạng các nguồn vốn, khuyến khích thành lập tổ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo nâng cấp xây dựng mới hệ thống giao thông nội đồng, khuyến khích hình thành mạng lưới dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, liên kết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy nông nghiệp đặc biệt là sự tham gia của cả hệ thống chính trị mà trước hết là vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực