Hà Giang: Triển khai chương trình “Phục hồi và xây dựng cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGap”
Thứ ba, 09/07/2013 09:16 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Cũng nhờ có cây cam sành mà nhiều hộ gia đình ở Hà Giang đã có nguồn thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hình thành nên các vùng cây ăn quả đặc sản của tỉnh.
|
Vườn cam sành tại xã Yên Hà, huyện Quang Bình được bảo quản theo tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: PVP) |
Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, diện tích cũng như năng suất, chất lượng của cây cam sành ở Hà Giang đã bị suy giảm nhanh chóng do dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc không đúng kỹ thuật. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây (từ 2007 – 2011), diện tích cam sành của Hà Giang đã bị suy giảm 2.900 ha. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, với tốc độ suy giảm về diện tích và năng suất như hiện nay thì trong thời gian 5 năm tới, cây ăn quả đặc sản cam sành của Hà Giang sẽ không còn tồn tại.
Đứng trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án “Phục hồi và xây dựng cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGap”. Để thực hiện triển khai chương trình này, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định thành lập Tổ giúp việc cho UBND tỉnh nhằm thực hiện chương trình “Phục hồi và phát triển cây cam sành Hà Giang giai đoạn 2013 – 2015” (Quyết định số 782/QĐ- UBND ngày 26/4/2013). Theo Quyết định, Tổ giúp việc gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống cây trồng, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản của tỉnh. Tổ giúp việc sẽ có trách nhiệm triển khai và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng mới, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên tất cả 3 huyện trồng cam của tỉnh. Trước mắt sẽ thực hiện đầu tư trọng điểm theo một số mô hình tại các huyện trồng cam, sau đó rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với một số cơ quan của Trung ương như: Viện Cây ăn quả miền núi phía Bắc, Viện Rau quả…để cùng phối hợp với Tổ giúp việc của UBND tỉnh triển khai thực hiện qui trình kỹ thuật trong quá trình phục hồi và phát triển cây cam sành của Hà Giang theo tiêu chuẩn VietGap.