(ĐCSVN) – Từ năm 2012, Hà Nội bắt đầu xây dựng các mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGap, đến nay đã có 7 mô hình sản xuất chè VietGap được cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích 50 ha.
|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Thế Dương) |
Với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con vùng trung du và miền núi, từ năm 2012 - 2014, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn. Trong 3 năm qua, Hà Nội đã thay thế được 155 ha chè bằng các giống chè chất lượng cao, nâng tổng số chè hiện có trên 3.058,3 ha, năng suất đạt 75,4 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 22.682 tấn, giá trị sản xuất đạt 198,3 triệu đồng/ha... Qua đánh giá các mô hình tham gia dự án cho thấy, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với tập quán sản xuất chè truyền thống tại địa phương từ 32 triệu đồng/ha đến 59 triệu đồng/ha. Thông qua mô hình, người nông dân đã có thêm kiến thức về quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn để từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu chè Hà Nội.
Các mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn được xây dựng tại các xã như Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Lĩnh, Yên Bài huyện Ba Vì, xã Hòa Thạch huyện Quốc Oai và xã Bắc Sơn huyện Sóc Sơn, trên quy mô 340 ha, gồm mô hình trồng mới, thâm canh chè an toàn, thâm canh chè VietGap và mô hình cơ giới hóa. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống chất lượng cho mô hình trồng chè theo VietGap, hỗ trợ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo, tập huấn, theo quy định.
Theo đánh giá của các hợp tác xã cũng như của các hộ dân sau khi thực hiện các mô hình thâm canh sản xuất mới, năng suất, chất lượng và giá thành chè tăng. Cây chè đã thực sự hỗ trợ nông dân các xã miền núi thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Từ thành công đó, năm 2014 Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn với tổng diện tích 220ha; trong đó, trồng mới và trồng thay thế 80ha, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất 60ha, thâm canh chè VietGap 30ha, thâm canh chè trồng mới năm thứ 2 là 50ha.
Đến nay, Hà Nội đã có 7 mô hình sản xuất chè VietGap được cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích 50 ha. Đáng chú ý, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu chè Hà Nội đã được thành phố hết sức quan tâm; chè Ba Vì đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, chè Bắc Sơn đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.