Hà Nội: Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trong mô hình sản xuất quy mô lớn

Thứ ba, 03/06/2014 17:23
(ĐCSVN) - Hà Nội luôn xác định cơ giới hoá nông nghiệp là một bước trong việc hiện đại hoá trong phương thức sản xuất, chuyển nông nghiệp từ sản xuất cá thể, phân tán và tách rời sang sản xuất mang tính xã hội với quy mô lớn. Vì vậy trong mấy năm trở lại đây Hà Nội luôn chú trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 
 
 

Hình ảnh máy cấy lúa  sẽ được ứng dụng rộng rãi (Ảnh: M.P)

Những tín hiệu tín cực

Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của cả nước, có 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 22 quận, huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên 332.888,99 ha, diện tích đất nông nghiệp 188.601ha.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có địa hình đa dạng với vùng núi cao, vùng đồi thấp và vùng đồng bằng. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Trong đó vùng đồng bằng Sông Hồng chiếm diện tích lớn của Thành phố bao gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức. Vùng này thuận lợi cho sự phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp quy mô lớn và thuận lợi cho cơ giới hóa đường bộ, từng khâu, từng công việc tùy theo quy mô sản xuất.

Hiện nay, cơ giới hoá nông nghiệp của Thành phố đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp Thành phố Hà Nội, năm 2013, thành phố đã đầu tư 460 máy làm đất 15 mã lực và 195 máy làm đất 24 mã lực, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 69,22% lên 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 10,1%; 167 máy cấy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 1,64%… Đối với chăn nuôi, đã bổ sung thêm 480 máy vắt sữa, đưa tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này từ 16,5% lên 42,7%; 200 hệ thống ăn bán tự động, 59 hệ thống làm mát chuồng nuôi. Đầu tư 20 hệ thống làm mát, 190 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho chăn nuôi lợn, nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 11,8% lên 16,5%.

Để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có năng suất, chất lượng cao, giảm tổn thất sau thu hoạch; khắc phục tình trạng thiếu nông nghiệp mang tính thời vụ, phấn đấu năm 2014 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 1,2 - 2%, đưa nông nghiệp Hà Nội vươn lên, đi đầu và xứng tầm với vị trí của một thành phố lớn trong cả nước Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo đó, đến năm 2016, mục tiêu đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy đạt 20%, gặt đập 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 40%, vắt sữa bò đạt 50%, quạt nước thủy sản 15%...

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố cũng đã phê duyệt Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020 với nguồn kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Trước mắt, Đề án được triển khai thí điểm tại 21 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào các khâu chính, tốn nhiều thời gian, sức lao động như làm đất, cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, làm mát chuồng trại, cho ăn uống tự động, sục khí và xử lý môi trường.

Riêng năm 2013, Hà Nội đầu tư 13,1 tỷ đồng để xây dựng các mô hình thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp. Trong đó có 50 điểm mô hình trồng trọt với tổng số 100 máy làm đất, cấy, phun thuốc, gặt đập; 36 mô hình chăn nuôi với 36 hệ thống làm mát chuồng trại và cho ăn uống tự động.

Và vấn đề đặt ra

Bên cạnh những lợi thế cũng như định hướng tích cực vẫn còn một số vấn để đặt ra tác động không không nhỏ tới quá trình cơ giới hóa nông nghiệp tại Hà Nội. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, còn nhiều hạn chế như: Trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa áp dụng cơ giới hoá sản xuất khép kín, thiếu tính đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Đặc biệt lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên vào thời vụ sản xuất nông nghiệp đang thiếu hụt lực lượng lao động.

Cùng với đó, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp mới chỉ đạt thấp, nên hiệu suất không cao. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đều thấp so với bình quân chung của cả nước.

Đáng chú ý, cơ giới hóa chưa phủ hết tất cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mới tập trung vào một số cây, con, và một số khâu công việc. Sở hữu, sử dụng máy và thiết bị cơ giới hóa chủ yếu là tư nhân còn nhiều hạn chế về vận hành quản lý máy móc, thiết bị nên hiệu quả sử dụng còn thấp. Chưa có nhiều tổ chức làm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp

Để khắc phục những hạn chế trên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư để tăng mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Mở rộng diện tích cơ giới hóa và xây dựng thí điểm mô hình cơ giới hóa đồng bộ cho cây lúa, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, lợn, gà tập trung xa khu dân cư.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức đào tạo chuyên sâu, tập huấn diện rộng cho cán bộ kỹ thuật, các hộ gia đình, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp về vai trò, tác dụng cơ giới hóa nông nghiệp; kỹ năng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp. Khuyến khích hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ cơ giới hóa. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực