(ĐCSVN) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, đã sản xuất được những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao, đồng thời có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Để đạt được điều đó, việc đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong sản xuất đã đóng góp một vai trò không nhỏ.
|
Nông dân Hà Nội thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trước năm 2013, ngành trồng trọt toàn thành phố có 4.737 máy làm đất các loại, đảm bảo cho 70.790 ha, đạt tỷ lệ 69,2% diện tích đất nông nghiệp. 4 máy cấy đảm bảo cấy được 40 ha, đạt tỷ lệ 0,04% diện tích; 520 máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phun cho 15.600ha, đạt tỷ lệ 15,3% diện tích. Ngành chăn nuôi có 290 máy vắt sữa, đạt tỷ lệ 16,5% tổng đàn bò sữa,... Kết quả trên cho thấy tốc độ cơ giới hóa của nông nghiệp đạt được còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong hai năm 2013-2014, nhờ thực hiện chương trình cơ giới hóa và khuyến khích phát triển cơ giới hóa, kết quả cơ giới hóa trong nông nghiệp thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, 9 khâu cơ giới hóa trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã được thành phố đầu tư.
Cụ thể, về trồng trọt, toàn thành phố đã đầu tư 842 máy làm đất góp phần đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất tăng từ 69,2% lên 90%. Đồng thời, đầu tư 193 máy gặt đập liên hợp giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa được 5,7%, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 13,5%.
Về ngành chăn nuôi – thủy sản, trong chăn nuôi bò, đã bổ sung 530 máy vắt sữa, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu vắt sữa từ 16,5% lên 37,7%. Trong chăn nuôi gà, đầu tư 250 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho gà, đưa tỷ lệ cơ giới hóa tăng từ 18,4% lên 26,4%,...
Bên cạnh đó, trong công tác đào tạo, huấn luyện, tham quan học tập, thông tin tuyên truyền, thành phố đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn chuyên sâu cho các kỹ thuật viên cơ sở về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp. Tổ chức lớp tập huấn diện rộng cho 1.320 người về kỹ thụât sử dụng, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.
Thông qua việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10-15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%. Đồng thời đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư vào cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 đến 1,2 lần so với lao động thủ công. Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người nông dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu là nông nghiệp nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Cụ thể, mô hình cơ giới hóa sản xuất lúa và trong chăn nuôi chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn; đội ngũ sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, trong khi các cơ sở dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành tại các địa phương.
Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp nông thôn chậm đổi mới; kinh tế trang trại, nông hộ quản lý quy mô nhỏ bé, kinh tế hợp tác họat động kém hiệu quả. Công nghệ chế tạo máy thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm phát triển hầu hết phụ thuộc vào nước ngòai, giá thành cao nên mặc dù có nhu cầu nhưng người nông dân không có khả năng để đầu tư trong khi mức vay vốn từ quỹ tín dụng lãi suất cao và còn gặp khó khăn.
Hiện nay, cơ giới hóa nông nghiệp của Thành phố đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Trong đó, cơ giới hóa sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất; các khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư, hiệu quả sản xuất còn thấp. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa áp dụng cơ giới hóa sản xuất khép kín, thiếu đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Đặc biệt, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ dẫn đến vào thời vụ sản xuất nông nghiệp thiếu hụt lực lượng lao động.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong năm 2015, trong khâu làm đất, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 90% lên 95%; trong khâu cấy tăng từ 2% lên 8%; tỷ lệ phun thuốc phòng trừ sâu có động cơ từ 28,8% lên 35%. Trong ngành chăn nuôi, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu vắt sữa từ 37,7% lên 45%; nâng tỷ lệ hệ thống làm mát chuồng nuôi lợn từ 5,2% lên 10%; nâng tỷ lệ hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động từ 24,6% lên 30%,...
Để đạt được mục tiêu trên, rất nhiều các giải pháp cần được quan trọng và chú trọng thực hiện. Trong đó, với ngành trồng trọt, đầu tư 204 máy làm đất các loại đảm bảo cho 5.100ha; đầu tư 612 máy cấy đảm bảo được 6.100ha, đầu tư 184 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ đảm bảo cho 5.504ha.
Đối với ngành chăn nuôi, đầu tư 1.050 máy vắt sữa đảm bảo cho 6.300 con bò sữa, đầu tư cho 176 hệ thống làm mát đảm bảo cho 70.464 con lợn, 198 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động đảm bảo cho 79.272 con lợn. Với ngành thủy sản, đầu tư 578 hệ thống quạt nước, đảm bảo 1.155 ha nuôi cá.
Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo huấn luyện, tham quan học tập mô hình, thông tin tuyên truyền về nội dung cơ giới hóa thông qua các họat động tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy, tiến bộ cơ giới hóa. Tăng cường thời lượng tuyên truyền về chủ trương chính sách về phát triển cơ giới hóa, tổ chức kiểm tra rút kinh nghiệm và biểu dương các điển hình tiên tiến trong việc triển khai chương trình.
Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình thí điểm về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, hoàn thành các vùng sản xuất trồng lúa chuyên canh tập trung, đảm bảo năm 2015 có 90% diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa. Đồng thời, tiếp tục triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo điều kiện cho phát triển cơ giới hóa./.