(ĐCSVN) - Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Kết quả bước đầu cho thấy, lượng nước tưới sử dụng cho cây trồng giảm đáng kể, đồng thời năng suất rau, củ, quả,… tăng lên rõ rệt.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: nongthonmoihatinh.vn) |
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, tỉnh có 130.116,91 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng cây hàng năm là 89.438,38ha, đất trồng cây lâu năm là 40.678,53ha.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã xây dựng mới thêm 15 hồ chứa nước, nâng cấp sửa chữa được 78 hồ chứa đảm bảo an toàn; sửa chữa, làm mới được 58 trạm bơm, kiên cố hóa được 3.130/6.920km kênh mương các cấp, đảm bảo tưới tiết kiệm và an toàn nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu, các điều kiện về khí tượng, thủy văn thay đổi bất thường, tỉnh đã sớm triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm hạn chế lượng nước tưới sử dụng cho cây trồng. Trong đó, năm 2013, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng khu thực nghiệm mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất hoang hóa, bạc màu, ven biển tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Về cấp nước đã hoàn toàn áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm công nghệ cao. Quy mô dự án gồm 12ha, trong đó, 8ha đất sản xuất và 4ha đất phục vụ cơ sở hạ tầng, tổ chức quản lý.
Cụ thể, về giải pháp tưới, dự án sử dụng nguồn nước ngầm tại vị trí thực hiện bằng cách đào các hố thu nước ngầm có diện tích 40x50x2,5 (có dung tích tương đương 5.000m3); sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt. Trong đó, đường kính ống dẫn là 110mm, hệ thống ống phun có đường kính 50mm, chiều cao 1,1m. Hệ thống ống phun được thiết kế theo ô bàn cờ, khoảng cách giữa các ống là 8,0m (bán kính hoạt động 4m). Tùy từng loại rau, quả sẽ áp dụng tưới phun mưa, hoặc phun sương hoặc nhỏ giọt, song tất cả đều được kiểm soát mức độ thời gian và lượng nước tưới đảm bảo khoa học phù hợp nhu cầu phát triển của cây trồng.
Hiệu quả bước đầu
Sau 9 tháng triển khai thực hiện thử nghiệm, đến nay, dự án đã triển khai trồng thử nghiệm được gần 35 loại rau, củ, quả trong vụ Đông năm 2013 và vụ Hè Thu 2014, với diện tích 8ha. Một số loại rau, củ, quả đã khẳng định được tính thích ứng, phù hợp và cho năng suất khá cao như: Măng tây, củ cải trắng loại nhỏ, cải bẹ nhỏ, cải thảo, cà rốt, dưa chuột,…Năng suất một số sản phẩm trên 1 vụ sản xuất như sau: Củ cải trắng nhỏ 20-30 tấn/ha; củ cải trắng nhỏ lớn 45-50 tấn/ha; cải bẹ 30-35 tấn/ha, cải thảo 26-30 tấn/ha, cà rốt 10-11 tấn/ha,…
Về hiệu quả kinh tế, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận trung bình tính cho 1 vụ sản xuất có thể đạt từ 60-100 triệu đồng/ha/vụ tùy thuộc vào loại cây trồng và mùa vụ sản xuất. Về lượng nước sử dụng rất tiết kiệm, trong đó, việc sử dụng hình thức tưới phun mưa và nhỏ giọt đã giảm được sự thất thoát lãng phí nguồn nước và chủ động về lượng nước và thời gian tưới cho từng loại cây trồng; kiểm soát được mực nước, đáp ứng yêu cầu cho từng giai đoạn sinh trưởng của từng loại cây trồng.
Qua kết quả bước đầu triển khai Dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển Hà Tĩnh đến năm 2020 tại Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 20/6/2014. Theo kế hoạch, sẽ hình thành vùng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao với diện tích 684ha, giá trị sản xuất đạt 230 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 6 triệu USD/năm. Trong năm 2014, kế hoạch tỉnh sẽ sản xuất trên khoảng 211 ha đất bạc màu ven biển, đến năm 2020 sẽ mở rộng vùng sản xuất đạt 684 ha trên toàn tỉnh.
Nhằm tiếp cận với các công nghệ tưới tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi hướng dẫn về mặt kỹ thuật và công nghệ tưới tiết kiệm tiên tiến hiện nay nhằm tạo điều kiện để tỉnh tiếp cận và đưa vào sử dụng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng các hệ thống tưới tiết kiệm; đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối đảm bảo an toàn và cấp nước tưới ổn định..../.