(ĐCSVN) - Giống ngô lai đầu tiên được đưa vào sản xuất tại Việt Nam vào năm 1991. Sau hơn hai mươi năm, trình độ nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai và công nghệ sản xuất hạt giống ngô lai của Việt Nam đã tiếp cận được công nghệ của các nước tiên tiến. Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia đứng đầu trong khu vực về sản xuất hạt giống ngô lai.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Ngô, hiện nay diện tích trồng ngô ở Việt Nam hàng năm vào khoảng 1,1 triệu ha, chiếm vị trí thứ hai, sau cây lúa nước. Cây ngô có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây lương thực và cây hàng hoá quan trọng ở các tỉnh Trung du miền núi Bắc và Tây Nguyên. Nhiều dân tộc ở các vùng này sử dụng ngô như một loại lương thực chính. Ở đồng bằng, ngô trồng nhiều trên các vùng đất bãi ven sông và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa của đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài là cây lương thực chính của đồng bào nhiều vùng miền, ngô còn là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất hiện nay. 70% chất tinh trong thức ăn tổng hợp của gia súc là từ ngô; ngô còn là thức ăn xanh và ủ chua cho đại gia súc đặc biệt là bò sữa. Gần đây, cây ngô còn là cây thực phẩm. Người ta dùng bắp ngô bao tử làm rau cao cấp vì nó sạch và có hàm lượng dinh dưỡng cao; ngô nếp, ngô đường được dùng làm thức ăn trực tiếp như luộc, nướng; hoặc đóng hộp làm thực phẩm xuất khẩu. Ngô còn là nguyên liệu của ngành công nghiệp lương thực thực phẩm và công nghiệp nhẹ để sản xuất rượu, cồn, tinh bột, dầu, glucôzơ, bánh kẹo. Trong y dược, ngô được dùng để điều trị áp huyết, râu ngô được dùng để làm thuốc.
|
Một ruộng ngô của đồng bào dân tộc Tây Bắc (Ảnh: Đ.H) |
Việt Nam nằm trong vùng sinh thái nhiệt đới thấp, cây ngô đã được đưa vào sản xuất cách đây 300 năm. Những năm gần đây, nhờ có các chính sách khuyến khích của Nhà nước và nhiều tiến bộ kĩ thuật, đặc biệt là về giống, cây ngô đã có những những tăng trưởng đáng kể về diện tích, năng suất và sản lượng. Theo đó, đã hình thành 8 vùng trồng ngô chính trong cả nước. Sản xuất ngô ở Việt Nam cũng phát triển theo quy luật chung của thế giới, từ quảng canh đến thâm canh; giống được sử dụng từ giống địa phương- giống thụ phấn tự do- đến giống lai. Tuy nhiên, do đi sau nhiều nước trên thế giới nên Việt Nam đã đúc rút được kinh nghiệm phát triển nên đã rút ngắn được khoảng thời gian chuyển tiếp của các nấc thang phát triển trên.
Đa hiệu quả
Từ khi có công nghệ sản xuất hạt giống ngô lai, các cơ sở sản xuất ngô giống trong nước đếu áp dụng công nghệ này. Lượng hạt giống ngô sản xuất trong nước những năm gần đây bình quân vào khoảng 9.000- 10.000 tấn/năm, đáp ứng trên 40% nhu giống ngô lai cuả cả nước. Với giá thành hạt giống ngô lai do Việt Nam tự sản xuất đã làm lợi cho nông dân mỗi năm vào khoảng 200- 300 tỷ đồng do không phải nhập giống từ nước ngoài. Việc sản xuất hạt giống trong nước còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ nông dân, làm tăng ít nhất là gấp đôi giá trị thu nhập cho khoảng 3.000- 4.000 ha sản xuát hạt giống so với trồng ngô thương phẩm.
Điểm nổi bật trong sản xuất ngô lai, đó là đã tạo được sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, Viện Nghiên cứu Ngô đã hợp tác với các công ty giống địa phương sản xuất và tiêu thụ các giống phổ biến và triển vọng sẽ đẩy mạnh sự hợp tác với các doanh nghiệp phát triển giống mới với nhiều phương thức như liên doanh, liên kết, chuyển nhượng bản quyền giống. Đồng thời, kết hợp với các địa phương xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật về giống và kỹ thuật canh tác mới.
Trong sự liên kết đó, có thể kể đến mô hình doanh nghiệp sản xuất hạt giống ngô điển hình, đó là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung tỉnh Sơn La là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn thuộc vùng sâu của tỉnh Sơn La, gắn liền với nông thôn và nông dân. Khi chưa hợp tác với Viện Nghiên cứu Ngô, sản xuất, kinh doanh của Công ty không ổn định, kết quả kinh doanh thường chỉ có lãi chút ít, đời sống của cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chât nghèo nàn, với sản phẩm chính là ngô thương phẩm và 1 năm chỉ sản xuất được 1 vụ.
Xuất hiện nhiều nhân tố mới
Từ năm 1997, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Ngô, Công ty chuyển dần sang sản xuất ngô giống và từ năm 2000 đến nay thì chuyển hẳn sang tập trung sản xuất ngô giống. Đánh giá kết quả sau 17 năm hợp tác sản xuất ngô giống với Viện Nghiên cứu Ngô, Công ty đạt được những thành tựu khá tích cực như, về khoa học kỹ thuật, cán bộ công nhân viên của Công ty được tiếp thu những kết quả lai tạo các giống ngô của Viện Nghiên cứu Ngô, người công nhân sản xuất ngô giống được Viện này đào tạo, tập huấn có chuyên môn, tay nghề kỹ thuật cao. Hàng năm, Viện này đều tổ chức tập huấn cho người lao động của Công ty, phối hợp với Công ty xây dựng mô hình trình diễn các giống ngô mới. Đến nay, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung là đơn vị sản xuất ngô giống lớn nhất vùng Tây Bắc – Việt Nam.
Về kinh tế, sản xuất, kinh doanh của Công ty đã ổn định và phát triển hơn, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, thu nhập và đời sống của người lao động đạt ở mức cao so với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Sơn La. Cơ sở vật chất phục vụ cho cán bộ công nhân viên làm việc và cơ sở chế biến ngô giống được Công ty xây dựng khang trang và đồng bộ… Hệ số sử dụng đất tăng 2 lần so với sản xuất ngô thương phẩm, cơ cấu cây trồng của Công ty là 1 vụ ngô giống xuân - hè và 1 vụ đậu tương giống hoặc đậu xanh giống thu – đông. Còn nếu sản xuất ngô thương phẩm thường chỉ làm được 1 vụ. Giá trị 1ha đất sản xuất ngô giống vụ xuân – hè và vụ thu – đông của Công ty đạt bình quân 150 triệu đồng/ ha/ năm so với 50 triệu đồng/ ha/năm nếu sản xuất ngô thương phẩm.
Về thị trường, những năm đầu sản xuất ngô giống, Công ty chỉ tiêu thụ trong tỉnh Sơn La, đến nay thương hiệu ngô giống của Công ty đã có uy tín trên thị trường, được tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu sang Lào. Vị thế của Công ty được tỉnh Sơn La đánh giá cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Có thể thấy, công nghệ sản xuất hạt giống ngô lai là công trình của người Việt Nam, đã được người Việt Nam áp dụng thành công trong hơn hai mươi năm qua. Công nghệ đã và đang mạng lại hiệu quả tích cực đóng góp vào chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.