Hiệu quả từ chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2014

Thứ sáu, 07/11/2014 17:03

(ĐCSVN)Với giá trị sản phẩm đạt trên 400 tỷ đồng trong năm 2014, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương tại Hà Nội.

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội, được bắt đầu đưa vào triển khai từ năm 2011, qua gần 3 năm thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã thu được nhiều kết quả khả quan, đóng góp không nhỏ vào mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Nếu như năm 2013, diện tích lúa chất lượng cao toàn thành phố chỉ là 25% thì đến năm 2014 đã tăng lên thành 36,6% so với diện tích cấy lúa của thành phố.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: VT)


Qua đó đã xây dựng được 63 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô gần 7 nghìn ha, tăng 116,2% so với kế hoạch. Trong đó tại các huyện ngoại thành, diện tích vụ Xuân đạt gần 3 nghìn ha, vụ Mùa đạt gần 4 nghìn ha. Năng suất bình quân các giống lúa chất lượng cao đạt 5,2 – 5,4 tấn/ha với sản lượng gần 37 nghìn tấn.

Mặc dù thời tiết có những diễn biến bất thường, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp nhưng với hiệu quả đã đạt được, chương trình đã tạo được  sức lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều địa phương khác. Trong đó có các  vùng lúa chất lượng tiêu biểu như: Huyện Phúc Thọ giống lúa thơm số 1; huyện Thanh Oai, Thường Tín giống Bắc thơm số 7. Đặc biệt, đã bước đầu khôi phục và phát triển giống lúa nếp đặc sản nếp cái Hoa vàng tại xã Tân Hưng, Bắc Phú (Sóc Sơn), xã Tam Hưng (Thanh Oai)…

Cùng với sự phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ, cũng trong năm 2014, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “nếp cái hoa vàng” của  huyện Sóc Sơn  và “Gạo thơm Bối khê” của xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Hà Nội.

Tiếp tục mở rộng diện tích trong các năm tiếp theo

Có thể nói, với những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp Hà Nội đã cơ bản xác định được vùng sản xuất, đáp ứng được các tiêu chí quy hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên trong quá trính triển khai, chương trình vẫn gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc như việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thanh toán ở một số hợp tác xã, mật độ gieo cấp tại một số điểm còn chưa phù hợp với yêu cầu kĩ thuật dẫn đến ảnh hưởng đến năng suất…

Với mục tiêu đến năm 2015, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải chuyển đổi từ 35-40% diện tích trồng lúa bằng giống chất lượng cao, ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa, theo ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong năm 2015, cần tập trung phát triển các xã trọng điểm về sản xuất lúa chất lượng cao. Qua đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người nông dân hiểu rõ hơn về chương trình này, góp phần mở rộng vùng sản xuất.

Bên cạnh đó, để chương trình có sức lan tỏa và đi vào cuộc sống, cần có thêm những chính sách hỗ trợ như giống, vật tư, phân bón…Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật, giống và dịch bệnh. Kêu gọi sự tham gia, liên kết của các “nhà” trong việc cung cấp, hỗ trợ vật tư cũng như chuỗi liên kết tiêu thụ cho người  nông dân và các hợp tác xã.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực