Hướng tới phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững các tỉnh miền Trung

Thứ ba, 22/07/2014 18:57

(ĐCSVN) – Ngày 22/7, tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông – lâm – ngư Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn “Giải pháp phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững các tỉnh miền Trung”.

Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý và nông – ngư dân các tỉnh khu vực miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Thanh Hóa... tham dự.

 

Cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong nuôi tôm thẻ chân trắng để phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: K.N)


Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo cơ hội để giúp người nuôi tôm có cái nhìn tổng quát, các biện pháp kỹ thuật, con giống, chính sách, thị trường đối với tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng.

Tôm thẻ chân trắng (Pennaeus vannamei) được di nhập vào Việt Nam từ năm 2001, tính đến hết 2010, diện tích nuôi tôm chân trắng là 25.000ha với sản lượng 150.000 tấn. Diện tích và sản lượng tôm chân trắng ngày càng tăng, dự kiến năm 2011 chiếm 40% sản lượng tôm nuôi. Trong nuôi tôm chân trắng cần quan tâm tới chất lượng con giống, các chỉ tiêu thủy hóa môi trường ao nuôi (Oxy, pH, NO2… độ trong, màu nước..) cũng như các yếu tố vật lý, hóa học. Các chỉ số này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, năng suất, lợi nhuận.

Cũng tại diễn đàn nhiều câu hỏi đã được đưa ra xoay quanh các vấn đề chất lượng con giống, biện pháp kỹ thuật phòng trừ một số bệnh dịch trên tôm thẻ chân trắng, quản lý môi trường nuôi, thị trường… Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, cần hạn chế sử dụng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm chân trắng nói riêng đảm bảo sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường, áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP, làm tốt công tác quy hoạch, dự báo thị trường nhằm ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Các đại biểu cũng cho rằng, để việc nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững, cần khắc phục những tồn tại hiện nay trong nuôi trồng tôm thẻ chân trắng ở các địa phương thuộc khu vực, đó là: cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng con giống, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng. Đồng thời, cần tiếp tục phân tích, đánh giá thực trạng phát triển, xem xét các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố nội lực, các tác động bên ngoài và đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng.

Diễn đàn cũng thống nhất cao với nhận định, thời gian trở lại đây, việc phát triển nhanh và mạnh nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng đã gây ảnh hưởng xấu - làm suy thoái môi trường trên diện rộng, tác động tiêu cực đến nguồn cung và an ninh lương thực, do đó, hơn lúc nào hết, cần quy hoạch lại vùng nuôi, đồng bộ hóa các chính sách liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

Về phía các nhà quản lí, cần tích cực hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng cho người dân, tập huấn các quy trình sản xuất mới, hiện đại và hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Các nhà khoa học tích cực nghiên cứu đổi mới công nghệ (sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản...) giúp người dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và không gây tổn hại tới môi trường...

Riêng đối với Thừa Thiên Huế, cần thiết phải quy hoạch vùng nuôi đảm bảo phát triển bền vững. Đại diện của Trung tâm khuyên nông – lâm - ngư Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2014, toàn tỉnh đã đưa vào thả nuôi gần 4.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ; trong đó 226 ha chuyên tôm. Nhưng việc người nuôi phát triển vùng nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch làm nguồn nước đầm phá ô nhiễm, gây nên tình trạng tôm chết trên diện rộng. Nguyên nhân, một phần do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, sắp xếp bố trí đối tượng nuôi ở các vùng còn chậm. Do đó, các ngành chức năng cần tìm ra những phương án quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sớm phát triển theo hướng bền vững.

Theo kế hoạch đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 24.000 tấn; trong đó, tôm thẻ chân trắng 12.116 tấn.. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế cùng chính quyền các địa phương đã quy hoạch 30 ha vùng cát ven biển huyện Phong Điền để xây dựng trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi tôm trên cát. Đồng thời, củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và Phú Lộc; giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều vùng đầm phá, trong đó, Rú Chá (Hương Trà) 10 ha; phá Tam Giang của hai huyện Quảng Điền và Hương Trà 90 ha; đầm Sam Chuồn - Thủy Tú (Phú Vang) 80 ha và đầm Cầu Hai (Phú Lộc) 120 ha...

Có thể thấy, việc phát triển nuôi trồng tôm thẻ chân trắng có hiệu quả, ổn định và bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm ngành nghề mới, tăng thu nhập cho bà con nông dân, là mục tiêu lâu dài mà các tỉnh miền Trung đang hướng đến. Nhưng thực tế cũng chỉ ra, những khó khăn và thách thức mà các tỉnh miền Trung đối diện khi phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng là không hề nhỏ. Do đó, tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, có chính sách hợp lý thì hiệu quả thu về sẽ lớn và đảm bảo tính bền vững.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực