(ĐCSVN) – Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, khối lượng chất thải chăn nuôi từ gia súc, gia cầm thải ra môi trường hàng năm khoảng 73 triệu tấn; 90% khối lượng chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp chưa được xử lý, thải ra môi trường hàng năm nhưng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để nguồn ô nhiễm này.
Cũng theo số liệu từ các báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp hàng trăm triệu tấn/năm từ quá trình sản xuất lúa gạo như: rơm, rạ, trấu và hàng chục triệu tấn bã mía… chưa được xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu toàn cầu nếu như người dân vẫn xử lý theo các phương thức truyền thống.
Thực tế cũng chỉ ra, chi phí cho xử lý các chất thải trong nông nghiệp thường rất cao và chưa có được sự quan tâm của doanh nghiệp cũng như người dân. Nguyên nhân một phần là do chưa nhận thấy được tầm quan trọng của các phế phụ phẩm nông nghiệp này. Nếu biết biến chúng thành hàng hóa có giá trị thì sẽ là một hướng đi đúng. Nhưng kèm theo đó cần có chính sách và cơ chế quản lý phù hợp. Đề xuất hợp tác công – tư (PPP) trong quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp được coi là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
PPP trong quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp – giải pháp phù hợp trong xu hướng phát triển
|
Mô hình chăn nuôi lợn dùng đệm lót sinh học tại Hải Dương tốt cho môi trường (Ảnh minh họa: VT) |
Nếu coi chất thải nông nghiệp là một sản phẩm, thì hợp tác PPP chắc chắn sẽ đem lại những kết quả tích cực góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Hiện tại, có nhiều công nghệ để xử lý chất thải nông nghiệp thành sản phẩm, hàng hóa. Đối với phế phụ phẩm trong trồng trọt đa số được đốt bỏ thu tro làm phân bón. Tuy nhiên, giải pháp xử lý đơn giản: đầu tư máy ép thủy lực - với giá thành khoảng 20 triệu đồng (về cấu tạo và hoạt động giống như bộ phận ép rác trên xe rác) ép các khối phụ phẩm thành kiện khiến cho quá trình vận chuyển, xếp dỡ trở nên đơn giản và có khả năng sử dụng máy móc lớn, giảm công sức và thời gian cho người lao động hơn nhiều. Hoặc, có thể dùng công nghệ đốt than sinh học để đốt phế phụ phẩm thành than (không đốt thành tro) và sử dụng làm các chất bổ sung, phụ gia cho phân bón hữu cơ cho cây trồng. Chất thải chăn nuôi có thể được sử dụng công nghệ biogas để tạo chất đốt, nhiên liệu chạy máy phát điện…
Từ kết quả đáng khích lệ trên, người ta đang hy vọng sẽ có nhiều phương thức quản lý hiệu quả nếu như mô hình PPP được ứng dụng. Tất nhiên, để phát triển bền vững mô hình này, Nhà nước cần có chính sách quy định về xử lý chất thải trong nông nghiệp. Nhà nước cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp và có chính sách ưu tiên nếu các doanh nghiệp đầu tư quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi như về công nghệ, tiếp cận nguồn vốn và giúp quảng bá những sản phẩm sản xuất từ chất thải nông nghiệp.
Đối với các Viện nghiên cứu - những đơn vị đầu ngành nghiên cứu các công nghệ, giải pháp để biến chất thải nông nghiệp thành những sản phẩm có giá trị - những công nghệ phải có giá trị ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Các hoạt động kỹ thuật cần phải có chuyên môn sâu và các viện nghiên cứu sẽ đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức sự nghiệp (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hệ thống khuyến nông…) cần phối hợp với các bên liên quan xây dựng mô hình chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp. Phối hợp xây dựng các mô hình trình diễn điển hình để nhân rộng kết quả. Hợp tác thực hiện các hoạt động đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền. Phối hợp với các tổ chức tư nhân – nhà nước tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân cần đi đầu trong đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi trên quy mô lớn. Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý, chế biến cần đòi hỏi các nguồn lực tổng hợp từ nhiều phía để có thể đem lại hiệu quả thành công cho mô hình. Doanh nghiệp cũng cần tạo kênh tiêu thụ sản phẩm được chế biến từ chất thải nông nghiệp.
Cần lưu ý, nông dân là đối tác quan trọng trong mô hình PPP quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi. Do đó, nông dân cần được nâng cao nhận thức, trang bị thêm các kiến thức không chỉ về sản xuất, canh tác mà còn về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
5 nhiệm vụ trước mắt để thực hiện hiệu quả PPP trong quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp
Từ thực tiễn ban đầu triển khai, Cục chăn nuôi kiến nghị, để thực hiện tốt các mô hình PPP trong nông nghiệp nói chung và trong quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp nói riêng, trước mắt cần tập trung xây dựng một số cơ chế chính sách cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng các chương trình, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA) trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cần có những chương trình, chính sách cụ thể để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài trong bối cảnh các nguồn viện trợ bị cắt giảm do hội nhập kinh tế toàn cầu và Việt Nam không còn nằm trong nhóm nước ưu tiên viện trợ.
Thứ hai, cần có Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản và cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ. Sản xuất theo chuỗi giá trị đã được chứng minh là hướng đi đúng đối với nông sản Việt Nam. Trong phát triển theo chuỗi giá trị cần có định hướng đối với xử lý các phế phụ phẩm và chất thải, nhằm giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản và giảm ô nhiễm đối với môi trường.
Thứ ba, hoàn thành chính sách khuyến khích các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi nông hộ. Với điều kiện cụ thể có Việt Nam, chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn sẽ là sinh kế chủ yếu cho người dân, đặc biệt người dân nghèo và tại các vùng sâu. Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi nông hộ giúp phát triển chăn nuôi bền vững trong một môi trường sinh thái trong lành.
Thứ tư, hoàn thiện các chính sách, giải pháp cụ thể để phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, chính sách liên kết 4 nhà và nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân và hợp tác công tư trong nông nghiệp. Khi cơ chế phù hợp được ban hành và thực hiện thì các bên tham gia sẽ tích cực đóng góp cho mô hình và đem lại thành công của mô hình hợp tác PPP.
Thứ năm, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến nông và Nghiên cứu cơ chế nhà nước tham gia đầu tư với doanh nghiệp (PPP) thông qua hỗ trợ kinh phí khuyến nông. Do kinh phí trực tiếp từ Bộ cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất phần lớn qua kênh Khuyến nông đang được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quản lý. Nếu cơ chế chính sách hợp lý được ban hành và áp dụng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đầu tư công.