Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ sáu, 06/09/2013 15:36

(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là giải pháp hữu hiệu để tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp, nông thôn nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất các giống chè chất lượng cao.
 (Ảnh minh họa: HNV)


Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp là góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao. Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và công nhận 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực này gồm: 3 công ty đều ở Đà Lạt, Lâm Đồng (Công ty cổ phần công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt; công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm); công ty TNHH Đà Lạt GAP, công ty TNHH thương mại dịch vụ Trường Hoàng tại Đức Trọng, Lâm Đồng và công ty cổ phần thực phẩm sữa TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Cũng theo PGS.TS Hinh, tuy mới có 5 doanh nghiệp được công nhận nhưng trên thực tế hiện nay ở nước ta, có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi chậm nên nhiều doanh nghiệp không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi thế, cách duy nhất để khắc phục tình trạng trên là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm của Isarel và Hà Lan đều chỉ ra, nếu đầu tư vào khoa học kỹ thuật hiệu quả thu về sẽ rất cao và bền vững trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết.

Để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Ngô Tiến Dũng kiến nghị cần phải có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này với những điều chỉnh khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ các doanh nghiệp tham gia đầu tư; cần các buổi tập huấn, tham vấn, lộ trình chiến lược để tạo sự đồng thuận trong các hệ thống chính quyền các cấp, phải coi việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là kinh tế tri thức, đơn giản hóa các thủ tục cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp cũng như có chính sách ưu đãi về thuế quan, các thủ tục pháp lý phù hợp hơn với thực tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đảm bảo ít nhất 70% quỹ đất sạch dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, cũng cần tới sự kết hợp giữa các bộ, ban, ngành nhất là ngành chủ quản – Bộ NN&PTNT; đạo tạo lao động côn gngheje cao, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cao về công nghệ cao trong nông nghiệp; áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực