Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Thứ năm, 26/06/2014 09:53

(ĐCSVN) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Được biết, thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai và vốn. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn -Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết hiện cả nước mới chỉ có 6 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Trên thực tế, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức “Nhà nước đầu tư, Nhà nước quản lý” hay mô hình “Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp quản lý” thì tỷ lệ thành công rất thấp. Kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy mô hình “doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp quản lý và Nhà nước hỗ trợ” đem lại thành công nhiều hơn. Vì vậy, rất cần xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích và phổ cập áp dụng công nghệ tiên tiến theo mô hình liên kết công - tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp.


Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng thương hiệu thông qua quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất; có chính sách ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực; tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất như mua cổ phiếu tại doanh nghiệp…

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng đã đưa ra một số gợi ý chính sách thúc đẩy liên kết công tư và khuyến khích doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, phát huy mô hình “doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp quản lý, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đó doanh nghiệp tự đầu tư và tự lựa chọn mô hình tốt nhất để sử dụng và tự quản lý đồng vốn của mình để tăng hiệu quả. Nhà nước có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Nhà nước thiết lập các quy chuẩn, thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, nhà nước tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, công khai quy hoạch và chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Chính quyền địa phương ở những khu vực ứng dụng công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, vận động người dân tham gia và ủng hộ doanh nghiệp. Qua thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhà nước tổng kết đúc rút kinh nghiệm những mô hình thành công, tiến hành cho triển khai nhân rộng.

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp tự lựa chọn mô hình ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp quản lý. Bên cạnh các hỗ trợ về thủ tục và chính sách, cũng có thể tính tới các hình thức đối tác công - tư chặt chẽ hơn trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng có thể tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất và nông dân được hưởng lợi trên tỷ lệ vốn góp. Doanh nghiệp và nông dân có cam kết cụ thể bằng văn bản và dưới sự bảo hộ của chính quyền địa phương (đại diện cho nhà nước).

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia và trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần có những giải pháp về chính sách đất đai; chính sách thuế, tín dụng; Chính sách phát triển nguồn nhân lực. Chính sách quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng đối với hàng hóa nông sản công nghệ cao; Chính sách phát triển thị trường; Chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia…

Trong đó, cần thực hiện chính sách giao đất dài hạn, phát huy cơ chế thị trường, để quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa trên thị trường, trở thành nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, cho thuê đất dài hạn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất.

Đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất. Phát triển hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, cập nhật tiêu chuẩn chất lượng đối với từng sản phẩm ở các thị trường khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa thương vụ và doanh nghiệp trong nước. Tiến hành các đàm phán về kỹ thuật song phương (thú y, bảo vệ thực vật...) với các đối tác để tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường. Tổ chức thông báo rộng rãi và tích cực hỗ trợ cho người sản xuất kinh doanh theo sát lộ trình thực hiện cam kết quốc tế. Chủ động chuẩn bị cho việc áp dụng cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống phân phối hàng hóa, áp dụng cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ cho nông nghiệp nông thôn. Tổ chức chương trình nghiên cứu đánh giá, dự báo tác động và hình thành hệ thống giám sát việc thực hiện để đảm bảo tránh các tác động xấu có thể xảy ra đối với doanh nghiệp và người nông dân tham gia sản xuất hàng hóa.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực