(ĐCSVN) - Năm 2014, theo định hướng của Ngành, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã xây dựng các mô hình trình diễn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân nông thôn.
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Trung tâm đã hướng tới việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa các cây, con giống có tiềm năng, năng suất cao vào sản xuất là giải pháp quan trọng tạo ra bước đột phá về năng suất, hiệu quả và chất lượng của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường phát triển hợp tác liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
|
Mô hình chăn nuôi gà Móng sinh sản trên nền đệm lót sinh học tại Hợp tác xã DVNN Tiên Phong (Ảnh: Hiền Mai) |
Vụ xuân năm 2014, Trung tâm đã triển khai 9 mô hình gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng với quy mô 135 ha, 571 hộ tham gia, năng suất lúa đạt 62 tạ/ha, cao hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống 8 - 12%; vụ mùa, triển khai 2 mô hình với quy mô 30 ha, 135 hộ tham gia. Song song với việc xây dựng các mô hình điểm về gieo thẳng, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng tới các địa phương trong toàn tỉnh. Do đó, diện tích gieo thẳng tăng nhanh: vụ xuân 2014, diện tích gieo thẳng đạt trên 12 ha, chiếm 98% so với kế hoạch; vụ mùa, mặc dù trong bối cảnh điều kiện thời tiết hết sức khó khăn (mưa lớn xuất hiện sớm và liên tục), cùng với sức ép của thời vụ, nhưng diện tích gieo thẳng đã vượt kế hoạch đề ra, đạt trên 4,6 nghìn ha, chiếm 103,7%.
Nhằm kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, vụ xuân 2014, Trung tâm đã mạnh dạn thực hiện các mô hình gắn với chủ trương “liên kết 4 nhà”, điển hình như mô hình sản xuất lúa chất lượng Japonica gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 56 ha, 330 hộ tham gia. Mô hình này hoạt động theo hình thức công ty cung ứng giống lúa Japonica cho người nông dân, đồng thời đảm bảo việc thu mua lúa ngay tại đồng ruộng với giá lúa tươi bằng giá Khang dân 18, do đó sẽ tránh được rủi ro biến động về giá. Qua mô hình đã thực hiện được liên kết dọc giữa nông dân – tổ hợp tác nông nghiệp – doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng; hình thành liên kết ngang giữa nông dân – tổ hợp tác nông nghiệp. Hơn nữa, Japonica là giống có khả năng chịu lạnh, sinh trưởng ở nhiệt độ thấp, khoảng 150C, nên giống lúa Japonica phù hợp khi đưa vào sản xuất vụ xuân sớm để giảm nóng cho lúa trong thời kỳ kết hạt, đẩy khung thời vụ gieo trồng vụ xuân sớm hơn nhưng không ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa.
Ngoài liên kết trong sản xuất lúa sau thu hoạch, Trung tâm còn thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ một số cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế đã được nông dân áp dụng, điển hình là đề án nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cà chua bi, Công ty TNHH Chế biến nông sản Hội Vũ ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ.
Để phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng canh tác bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, cung ứng sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng, Trung tâm đã triển khai mô hình “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 5,5 ha. Thời gian tới, cán bộ kỹ thuật sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật sản xuất canh tác cho bà con nông dân để tiếp tục triển khai hiệu quả vùng rau an toàn, đồng thời hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế đảm bảo các yếu tố về môi trưởng, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã xây dựng và triển khai mô hình “Chăn nuôi gà Móng sinh sản trên nền đệm lót sinh học” với quy mô 1.280 con, 5 hộ tham gia. Đây là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Với mục tiêu xây dựng mô hình nuôi các đối tượng thủy sản cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương,Trung tâm đã triển khai mô hình: Nuôi ghép cá trắm đen làm chính trong ao”, quy mô 0,6 ha, 02 hộ tham gia; Mô hình “Nuôi cá chạch đồng bán công nghiệp trong ruộng lúa”, quy mô 0,4 ha, 02 hộ tham gia.
Trong thời gian qua, công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình điểm nhằm đưa kỹ thuật canh tác tiên tiến như gieo sạ, cũng như đưa các cây, con giống có tiềm năng năng suất cao vào sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Từ đó, giúp nông dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập và giàu lên từ sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.