Kinh nghiệm bảo hiểm nông nghiệp của Mỹ

Thứ sáu, 27/02/2015 14:05

(ĐCSVN) - Việt Nam là một nước nông nghiệp. Đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Tuy nhiên, do đặc điểm của vị trí địa lý, nông nghiệp Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu hậu quả từ thiên tai. Dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho người nông dân.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn. Tuy việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã được tiến hành, nhưng dịch vụ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi ở nước ta mới manh nha. Nhiều nước trên thế giới, tuy có quy mô và hình thức khác nhau, đã phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Mỹ là một trong những quốc gia có hệ thống bảo hiểm nông nghiệp rất phát triển. Do vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Mỹ là điều cần thiết.

Thực hiện bảo hiểm đa hoạ

Mỹ thực hiện bảo hiểm về năng suất và doanh thu trong sản xuất nông nghiệp thông qua Chương trình bảo hiểm cây trồng liên bang từ năm 1938 theo đó doanh nghiệp bảo hiểm triển khai dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ - là chương trình liên kết giữa chính phủ liên bang và các doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp bằng nhiều cách: cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm (cho cây trồng một tỷ lệ phí khoảng từ 48% đến 67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%). Chính phủ cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường chỉ bằng 60% giá trị thị trường dự tính. Ngoài việc hưởng miễn phí theo hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản nói trên, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang – tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khỏan ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm.

Một cánh đồng lúa bị thiệt hại nặng nề do bão. (Ảnh: Đ.H)

Theo quy định của Luật pháp Mỹ, Chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang được phép có tỷ lệ tổn thất không vượt quá 7,5% - tức là chính phủ sẵn sàng hỗ trợ thêm tương đương với 7,5% tổng mức phí bảo hiểm. Tỷ lệ hỗ trợ của Mỹ cho bảo hiểm nông nghiệp ngày càng tăng và hiện nay trung bình nhà nước chịu 70% còn người dân chỉ chịu mức khoảng 30% tổng chi phí của Chương trình bảo hiểm.

Bảo hiểm nông nghiệp ở Mỹ được áp dụng cho nhiều lọai cây trồng, nhưng chỉ riêng 4 loại cây chính là ngô, đậu tương, lúa mỳ và bông đã chiếm tới 79% trong tổng số 5 tỷ USD phí bảo hiểm hàng năm. Chương trình này phủ khoảng 72% diện tích cây nông nghiệp, trong đó 73% phí thu được từ bảo hiểm năng suất và 25% từ bảo hiểm doanh thu. Bảo hiểm chăn nuôi bảo hiểm cho động vật chết do tai nạn hoặc bệnh dịch, cũng bảo hiểm cho cả nuôi trồng thủy hải sản như con nghêu, bảo hiểm lâm nghiệp và nhà kính,..

Bên cạnh đó có một số loại bảo hiểm chỉ số, chủ yếu là bảo hiểm chỉ số năng suất theo khu vực bảo hiểm chỉ số thời tiết và bảo hiểm NDVI/IRS. Ngoài ra còn có bảo hiểm doanh thu cho cây trồng. Đối với chăn nuôi (lợn, cừu và trâu bò), Livestock Gross Margin (LGM) bảo vệ tổng lợi nhuận giữa giá trị của động vật và chi phí của ngô và đậu tương; và cơ quan bảo vệ rủi ro vật nuôi (LRM) bảo vệ chống lại giảm giá chăn nuôi.

Đa dạng hoá dịch vụ bảo hiểm

Từ 2008, có 17 công ty bảo hiểm tư nhân bán các bảo hiểm nông nghiệp, trong đó 7 công ty chỉ chuyên bảo hiểm cây trồng, một công ty chuyên bảo hiểm vật nuôi, và 9 công ty bán cả hai loại hình bảo hiểm cây trồng và vật nuôi.

Chính phủ Mỹ có một cơ quan riêng biệt đứng ra bảo hiểm cho những khu vực có tính rủi ro cao. Việc thiết kế sản phẩm cũng theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia xây dựng sản phẩm và sau đó là người phân phối trực tiếp sản phẩm này. Để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và xé nhỏ thị trường, nước này đã thiết kế một sản phẩm chung dành để các doanh nghiệp cung ứng cho người nông dân. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm không phải cạnh tranh về giá thành cũng như cạnh tranh về nhiều yếu tố khác. Với doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài một số hỗ trợ phụ khác, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này.

Nhờ đó, tại Mỹ có tới 85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp. Có rất nhiều yếu tố tạo nên tỷ lệ rất cao này. Thứ nhất là kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ (hàng năm Mỹ tài trợ 5 tỷ USD phí bảo hiểm cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp); thứ 2 là nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm rất cao. Điều đáng nói hơn cả là nước Mỹ có một chương trình bảo hiểm đặc biệt mà ở đó, người nông dân có thể được bồi thường với giá thành sản phẩm cao hơn trong trường hợp giá nông sản tăng vào cuối vụ mùa. Tại Mỹ, giá ngô và giá đậu nành thường tăng cao khi có hạn hán xảy ra. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở nước này khá hoàn hảo, tính đến cả yếu tố sản lượng lẫn giá thành. Tuy nhiên, đổi lại người nông dân cũng phải cam kết rằng, nếu họ không tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia thì cũng không được tham gia vào bất kỳ chương trình phòng chống thiên tại có tính thương mại nào khác.

Nhìn chung, bảo hiểm nông nghiệp là một nghiệp vụ rất phức tạp và thực hiện rất khó khăn, nhưng lại có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, các nước có hoạt động bảo hiểm nông nghiệp đều nhận được sự trợ cấp rất lớn từ chính phủ. Các chương trình bảo hiểm rất tốn kém đối với chính phủ, nhưng các nước vẫn triển khai. Do vậy, để triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam thành công, cần có sự chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân một cách đồng bộ.

Việt Nam đã triển khai 3 năm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (từ năm 2011) nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Chương trình đã kết thúc và cũng đã có những thành công bước đầu, đã có 304.000 hộ tham gia và tổng giá trị bảo hiểm là trên 7.700 tỷ đồng. Tuy vậy, có tới 92% đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp là hộ nghèo và cận nghèo, trong khi đối tượng ngoài diện này chỉ chiếm khoảng 8%. Do vậy, các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ tham gia bảo hiểm nông nghiệp; phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực