Kinh nghiệm nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu ở làng nghề của Hội An

Chủ nhật, 24/11/2013 18:02

(ĐCSVN) - Hội An nằm trên dải ven biển miền Trung thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vừa có tên trong danh mục di sản văn hóa thế giới của UNESCO, vừa là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây cũng là nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ở Hội An, trong khoảng hơn 2.400 hộ gia đình làm nghề, thì có hơn một nửa lao động địa phương làm việc trong ngành sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Nhìn chung, thu nhập của lao động tham gia ngành này thường cao hơn những người làm nghề nông thuần tuý từ 3-4 lần. Ở những làng có nghề này, người dân cũng có cuộc sống tốt hơn so với những làng thuần nông.

Mặc dù các làng nghề truyền thống ở Hội An được khôi phục và nhiều làng nghề mới ra đời trong những năm gần đây, nhưng mối quan tâm về quy hoạch và phát triển cũng như cho đóng góp của làng nghề trong việc giải quyết công ăn việc làm vẫn còn ít ỏi. Kết quả là các làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển tự phát với đặc điểm là sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán về mặt địa lý.

Về tổng thể, các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hội An có các sản phẩm chính như: nghề đúc đồng có các sản phẩm chuông, cồng chiêng, tượng, lư hương; đồ gỗ thì có tượng, đồ đạc bằng gỗ; nghề làm đèn lồng thì có đèn lồng làm bằng vải lụa, có thể gấp lại được và khung làm bằng tre và gỗ; còn như nghề dệt thì có lụa và vải bông - không có thành phẩm nào được làm ra ở các làng nghề này có thể tiêu thụ được ngay. Nhìn chung, có nhiều trở ngại cho việc phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Chẳng hạn, trong việc cung cấp nguyên liệu thô, thì khả năng cung ứng ngày càng khó và giá nguyên liệu tre và mây dao động lớn do khai thác quá mức, đồng nguyên liệu thì ngày càng hiếm, và giá thì ngày càng cao. Việc thu gom và xử lý chất thải còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường. Việc tiếp cận thị trường cũng ngày càng khó khăn. Do chi phí vận chuyển cao, khiến cho đa số người bán tập trung vào các khu chợ địa phương.

Làm thế nào để nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu trong các làng nghề đang là vấn đề cần nhanh chóng được giải quyết. Có thể đưa ra một số cách làm mới, hiệu quả ở một số làng nghề. Ở các hộ làm đèn lồng, theo cách truyền thống, các hộ này chọn gỗ, tre có chất lượng tốt nhất, sau đó đem chẻ thành thanh nhỏ, rửa sạch, ngâm nước, rồi đun sôi bằng nước oxy già để làm mềm thanh tre. Nếu thời tiết tốt, những thanh tre này được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời; trong trường hợp trời mưa, chúng được sấy khô bằng than bánh trong buồng sấy, sau đó được cắt ra, khoan lỗ thủng, phủ lụa và gắn vào tre bằng keo, rồi gắn thêm quai treo. Đèn lồng có thiết kế tinh xảo, có thể dễ dàng lắp ráp hoặc gấp xếp lại. Tuy nhiên, với cách làm mới, nhiều hộ đã sử dụng giá đỡ khi cắt thanh tre, khiến công việc nhanh hơn, an toàn hơn và tạo ra ít chất thải, đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và lượng điện tiêu thụ. Thay vì việc đun sôi các thanh tre bằng chiếc thùng to được đặt trên ngọn lửa ngoài trời, sẽ làm lãng phí nhiên liệu, thì khi sử dụng một nồi hơi được cách nhiệt tốt có thể tiết kiệm được 1.250 kg nhiên liệu/năm. Hoặc việc lắp đặt một buồng sấy khép kín có hệ thống thông hơi trên cao để thải hơi và khói ra ngoài, có thể tiết kiệm được nhiên liệu và khói sẽ không thoát ra tại khu vực làm việc…

Hoặc ở các hộ làm bún, theo cách truyền thống, trước hết, gạo được rửa sạch, ngâm nước qua đêm trong những thau nhựa lớn, sau đó được nghiền thành bột và đổ vào bể hồ hoá để làm thành tinh bột. Sau đó bột được ép qua khuôn thành những sợi đều nhau, rồi được luộc bằng trấu, rồi dội lại bằng nước lạnh, rồi sau đó được vặn xoắn thành hình để ra sản phẩm cuối cùng. Trong quy trình của cách làm truyền thống này, người dân thường đặt bếp ở vị trí cao và bếp lò mở. Cách làm này làm thất thoát nhiều năng lượng, trong khi nếu đặt thêm gạch thì sẽ giảm bớt được lượng nhiệt thất thoát và lượng nhiên liệu tiêu thụ, giúp tiết kiệm được khoảng 3 tấn trấu/bếp/năm…

Nhìn chung, cần phải có một cách tiếp cận tổng hợp cho việc phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ để tận dụng tiềm năng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Từ đó, nâng cao thu nhập và việc làm cho các cộng đồng nông thôn, đồng thời tăng thu nhập của ngành du lịch từ việc bán đồ thủ công mỹ nghệ và tăng khả năng đóng góp tiềm tàng của ngành du lịch thông qua tăng khối lượng du lịch cũng như dịch vụ du lịch mới. Đồng thời, khi áp dụng những cách làm mới, cũng giúp làm giảm tác động môi trường và tăng tính cạnh tranh cho các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực