Lâm Đồng: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới

Thứ tư, 25/03/2015 15:40

(ĐCSVN) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nhiều chương trình, đề án liên quan đã được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện. Bên cạnh các giải pháp về mặt quản lý, chiến lược, giải pháp về mặt khoa học kỹ thuật đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất rau trong nhà kính tại Lâm Đồng (Ảnh: baolamdong.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) sản xuất giống, toàn tỉnh có 50 cơ sở ứng dụng CNSH trong sản xuất giống với sản lượng gần 30 triệu cây giống cấy mô các loại mỗi năm, cung cấp khoảng 200 cơ sở gieo ươm, sản xuất trên 2 tỷ cây giống rau, hoa các loại mỗi năm. Với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất giống, chất lượng cây giống sản xuất ngày càng nâng cao, tỷ lệ cây xuất vườn được cải thiện đáng kể (đạt trên 85%, cách gieo hạt truyền thống đạt 45-50%).

Về ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất, toàn tỉnh đã có gần 40.000 ha đất canh tác được sản xuất theo hướng ứng dụng CNC. Đến nay có trên 50% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng CNC, 25% diện tích chè được ứng dụng giống chất lượng cao; 11% diện tích cà phê được chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao. Các công nghệ áp dụng chủ yếu kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng và ánh sáng tự động; sử dụng giống mới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, 4C,…

Về công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường triển khai như: mô hình sản xuất thử nghiệm, nhập nội giống mới; nghiên cứu lai tạo, chọn tạo các giống cây trồng phục vụ sản xuất. Đồng thời, xây dựng các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác phù hợp với từng loại cây trồng và từng vùng sinh thái; các phương pháp phòng chống dịch bệnh,…để chuyển giao cho nông dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Cụ thể, hầu hết doanh nghiệp và nông dân còn thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, trong khi đó tình hình lạm phát, giá cả vật tư đầu vào trong sản xuất luôn biến động; công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chưa được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ nông sản có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu chưa cao.

Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Công tác sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tiến hành riêng lẻ ở từng hộ gia đình mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”, chưa sử dụng công nghệ hỗ trợ. Vì vậy, năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, còn thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.

Nhằm triển khai, ứng dụng hiệu quả KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng CNSH trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; hoàn thiện các quy trình trồng và chăm sóc theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các biện pháp thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ xây dựng và quản lý thủy lợi tiên tiến.

Song song với đó, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp CNC; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có tiêu chí riêng cho từng vùng, từng cây trồng. Trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, áp dụng KHCN tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và tăng khả năng cạnh tranh. Áp dụng KHCN tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tập trung phát triển với quy mô hợp lý các loại cây có lợi thế như cà phê, chè, rau, hoa, ca cao, cao su,…; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị trên đồng ruộng và thông qua chế biến. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thêm vào đó, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, tập trung phổ biến hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất mới theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, giảm thiệt hại do sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt. Khuyến cáo nông dân sử dụng cơ cấu giống hợp lý; thực hiện tốt công tác dự tính sâu bệnh, thông tin kịp thời cho nông dân.

Tăng cường công tác khuyến ngư, xây dựng mô hình trình diễn, đẩy mạnh công tác chuyển giao giống và công nghệ nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi một số diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển Nông thôn mới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm rau, hoa, cây dược liệu, chè, cà phê,… Đầu tư trang thiết bị, quy trình kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nhân lực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống canh tác, giao thông thủy lợi./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực