|
Ảnh minh họa (Ảnh: baolamdong.vn) |
Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có khí hậu ôn đới trong lòng một vùng có khí hậu nhiệt đới điển hình tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh, quy mô lớn như: chè, cà phê, rau quả ôn đới, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm,...Nông sản là nguồn nguyên liệu đầu vào tiềm năng để phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh.
Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã có sự tăng trưởng không ngừng, đóng vai trò chủ lực trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, công nghiệp chế biến nông sản luôn chiếm khoảng 45% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến của toàn tỉnh, và khoảng 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hàng năm, ngành thu hút trên 10 nghìn lao động (chiếm trên 30% lao động công nghiệp toàn tỉnh), đồng thời tạo công việc bán thời vụ cho hàng nghìn lao động nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Trong đó, ngành chế biến chè đã đầu tư các dây chuyền, thiết bị hiện đại trong các khâu vò chè, héo chè, phân loại, bảo quản và đóng gói sản phẩm. Nhiều sản phẩm chè từ các doanh nghiệp có uy tín vẫn giữ được chất lượng, đảm bảo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước, đem lại nguồn lợi lớn, giữ được thương hiệu chè Lâm Đồng.
Về chế biến cà phê, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến khá hiện đại như dây chuyền sàng, phân loại, đánh bóng cà phê nhân tự động với công xuất lớn để sản xuất cà phê nhân xuất khẩu. Một số đơn vị chế biến rau cấp đông và sấy khô bằng công nghệ sấy lạnh đang từng bước khẳng định mình đối với các sản phẩm tinh chế như: bó xôi, đậu nành lông, khoai lang nhật; rau, củ sấy khô...,hiện đang mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cũng như ngoài nước.
Tuy nhiên, hiện nay, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước cũng như khả năng cạnh tranh các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến của tỉnh nhìn chung còn thấp. Nhiều đơn vị chế biến chè, cà phê giảm 50% công suất và lao động, thậm chí chỉ còn 20-30%. Sản xuất đình trệ, sản lượng không đủ giao hàng theo hợp đồng đã ký(cà phê). Tình trạng các thương lái ở ngoài tỉnh thu mua ào ạt cà phê với số lượng lớn suốt thời gian dài đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp chế biến cà phê tại địa phương rơi vào tình trạng điêu đứng. Nhiều đơn vị lớn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại đều không hoạt động sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Bên cạnh đó, một số diện tích trồng cây chè, cây điều,... ngày càng thu hẹp, năng suất và chất lượng không cao. Chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều trên chè và rau, ảnh hưởng đến chế biến sản phẩm.
Hiện tại, tình hình sử dụng lao động trong chế biến nông sản vẫn còn nhiều bất cập do thiếu lao động vào dịp cuối năm, đặc biệt là trong ngành chế biến rau quả. Phần lớn số lượng lao động làm việc tại các đơn vị đều do đơn vị đào tạo tay nghề nên việc nắm bắt kỹ thuật của người lao động nhìn chung vẫn còn hạn chế.
Nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, thời gian tới, ngành sẽ thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, áp dụng công nghệ mới, đổi mới công nghệ, thiết bị trong chế biến nông sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý sau thu hoạch (quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi). Hình thành mô hình cụm dịch vụ cơ khí, cơ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Nghiên cứu công nghệ, sản xuất các dụng cụ, thiết bị phục vụ công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến với quy mô nhỏ, hộ gia đình, trang trại (như dụng cụ làm đất, thu hoạch, tưới tiêu, sấy, bảo quản, xay nghiền, vận chuyển cơ giới).
Về cơ sở hạ tầng, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng ngành công nghiệp, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hạ tầng thương mại. Thực hiện tốt công tác quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, kế hoạch cung cấp nước cho các khu vùng nguyên liệu nông sản và chế biến nông sản đã được định hướng, các chương trình mục tiêu trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa tốt.
Về môi trường, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm, trước mắt, cần tiến hành sớm việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp hiện có và các cơ sở chế biến nông sản bao gồm: đánh giá cụ thể tình trạng ô nhiễm do khí thải, mức độ ô nhiễm nguồn nước… để có phương án xử lý kịp thời. Đối với các nhà máy xây dựng mới, chú trọng nâng cao công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, các nhà máy trước khi xây dựng; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các hồ sơ, báo cáo tác động môi trường trong giai đoạn xin cấp phép. Các dự án gây ô nhiễm phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, để lĩnh vực công nghiệp chế biến phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngoài những chủ trương, chính sách của Nhà nước, cần tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp chế biến. Trên cơ sở đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản có lợi thế cạnh tranh như cà phê, chè, rau quả…Tăng cường kêu gọi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; đồng thời thông qua các chương trình, dự án được triển khai hàng năm, hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư trang thiết bị chế biến rau cấp đông, rau đông lạnh, chế biến cà phê theo công nghệ ướt, cà phê hòa tan…
Song song với đó, cần xây dựng và ban hành rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đến các đơn vị sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong việc tiêu thụ hàng hoá về lâu dài và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu rộng rãi các loại sản phẩm sản xuất trong cả nước, thông qua các đợt trưng bày, hội chợ triển lãm./.