Long An: Đẩy mạnh thâm canh cây vừng theo hướng cơ giới hóa

Thứ ba, 15/04/2014 17:05

(ĐCSVN) – Trung tâm Khuyến nông Long An cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ trì thực hiện đề tài thâm canh cây vừng trên vùng đất xám theo hướng cơ giới hóa.

Theo đó, mô hình áp dụng các biện pháp thâm canh như bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh, cỏ dại, sử dụng giống mè cho năng suất cao. Đặc biệt, tiến hành nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mè nhằm giảm công lao động, thúc đẩy cây vừng phát triển theo hướng thâm canh.

Sau một thời gian triển khai thí điểm, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã đánh giá cây vừng trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt từ 700-800 kg/ha, cao hơn so với mè trồng ngoài mô hình (trồng quảng canh) từ 1-1,5 lần. Theo tính toán sơ bộ thì chi phí cho 1 ha vừng khoảng 12-15 triệu đồng, với giá vừng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, nông dân có lãi từ 10-15 triệu đồng/ha, nếu áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch thì nông dân còn giảm thêm chi phí và tăng lợi nhuận.

Thực tế, vừng là loại cây trồng có thế mạnh, phù hợp trên vùng đất xám. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở các huyện phía Bắc của tỉnh Vĩnh Long. Do đặc tính vùng đất xám, nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém nên để đạt năng suất cao thì người trồng vừng phải áp dụng biện pháp thâm canh, đầu tư phân bón, chú ý bón lót, nhất là phân hữu cơ, tăng cường phân lân, đảm bảo nước tưới ít nhất 4 lần trong vụ, áp dụng các biện pháp cơ giới hóa đồng bộ, thực hiện liên kết 4 nhà, thành lập tổ, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ để thúc đẩy phát triển theo hướng thâm canh và bền vững trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, các nhà khoa học để tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển cây vừng trên vùng đất xám, ứng dụng cơ giới đồng bộ, các tiến bộ kỹ thuật trong bón phân, chọn giống năng suất cao, chất lượng phù hợp với thâm canh.

Trồng vừng thâm canh theo hướng cơ giới hóa trên vùng đất xám là hướng đi phù hợp với chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có chuyển đổi diện tích tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn mà chủ lực là cây vừng và cây ngô.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực