(ĐCSVN) - Việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp là vấn đề quan trọng được, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Vì vậy trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: K.V) |
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực hơn. Các hình thức hợp tác, liên kết được đánh giá là mô hình tổ chức khá hiệu quả hiện nay. Được sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ ngành nông nghiệp đã tổ chức đánh giá hiệu quả một số mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn.
Đáng chú ý, hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết thành công ở các địa phương, các ngành hàng giữa nông dân, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã với doanh nghiệp tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó nổi bật là mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng. Đã có 43 tỉnh, thành phố triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” như vùng ĐBSCL, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội… với khoảng 100.000 ha lúa. Mô hình này bước đầu đã phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn kết trách nhiệm lâu dài của doanh nghiệp, nhà khoa học với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tăng thu nhập cho nông dân. Qua kết quả đánh giá, Bộ đã phối hợp các địa phương, ngành nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Bên cạnh đó, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển khá, nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, tích tụ ruộng đất, thúc đẩy hình thành các cơ sở chế biến tập trung, tạo điều kiện thu hút lao động nông thôn, phân công lao động xã hội và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh được Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý và hình thức tổ chức, tạo quyền tự chủ và đa dạng hóa nguồn vốn; làm rõ hiện trạng sử dụng đất, lập phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất, kinh doanh... Một số công ty lâm nghiệp đã giao khoán rừng và đất lâm nghiệp có hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Bên cạnh nhưng kết quả khích lệ đã đạt được trong năm vừa qua, sự phát triển và nhân rộng đối với các mô hình mới này vẫn còn có nhiều hạn chế.
Mặc dù các mô hình này bước đầu đã khẳng định được những ưu điểm nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp nói chung hiện nay nhưng ngay trong các mô hình mới này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Những quan niệm về cánh đồng mẫu lớn chưa thống nhất giữa các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được đầu vào sản mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn của đầu ra, thị trường nông sản hiện nay. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hoà. Mức độ tiêu thụ nông sản hàng hoá cho người nông dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định. Hiện tượng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Một số mô hình liên doanh, liên kết nhưng lợi ích của người nông dân tham gia còn thấp, thậm chí họ mới chỉ được hưởng giá trị ngày công lao động. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.
Ngoài ra, khu vực kinh tế hợp tác phát triển chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế hiện nay có thể khẳng định rằng, trong các mô hình liên doanh, liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế tập thể đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Việc thiếu các tổ chức đại diện của nông dân làm cho chi phí giao dịch và chi phí triển khai thực hiện các hợp đồng nông sản của doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu trong tương lai là phải xây dựng một nền nông nghiệp định hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tích cực quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng những quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.