Năm 2015, sẽ tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Thứ ba, 06/01/2015 20:30

(ĐCSVN) – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2015, Bộ sẽ triển khai 62 nhiệm vụ thuộc Chương trình công nghệ sinh học (CNSH); 27 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 233 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 30 dự án sản xuất thử nghiệm; xây dựng và ban hành 109 tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp.

Cũng theo Bộ, năm 2015, đơn vị này sẽ tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành, kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.

 

Ứng dụng KHCN trong nghiên cứu, chọn tạo giống cho năng suất, chất lượng cao (Ảnh: HNV)


Cụ thể, Bộ sẽ thực thi các chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ đỉnh cao, doanh nghiệp chọn tạo, kinh doanh giống chất lượng cao.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông nhà nước.

Khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông nhà nước.

Tập trung nghiên cứu, chuyển giao khao học kỹ thuật để phát huy lợi thế của mỗi địa phương, tránh dàn trải kém hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo và ứng dụng các giống năng suất, chất lượng và giá trị thương mại cao cho các đối tượng cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, điều, chè, cà phê, hồ tiêu, cao su, nhãn, vải, thanh long, xoài, rau, hoa) phục vụ xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Thêm vào đó, sẽ nghiên cứu và chuyển giao các gói kỹ thuật về thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự tính, dự báo dịch hại cây trồng và kiểm dịch thực vật.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực (lợn, gà lông màu, vịt chuyên thịt, chuyên trứng) phù hợp với vùng sinh thái; ứng dụng công nghệ tiên tiến và kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nghiên cứu tạo các chế phẩm công nghệ sinh học, thức ăn bổ sung trong chăn nuôi; công thức chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn thức ăn sẵn có, nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ phát triển chăn nuôi.

Ngoài ra, sẽ còn nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống đối với một số giống thuỷ sản chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, cá rô phi, nghêu, tu hài) sạch bệnh; xác định tác nhân gây bệnh và quy trình phòng từ bệnh tổng hợp trên một số đối tượng chủ lực (tôm, cá, nghêu, tu hài); ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tiết kiệm nước; Nghiên cứu tạo các chế phẩm sinh học, vắc xin, thuốc thú y thủy sản, quy trình công nghệ sản xuất thức ăn; công thức chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn thức ăn.

Không những vậy, sẽ chọn tạo và phát triển sản xuất các giống cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh (keo, bạch đàn), cây bản địa làm gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có lợi thế cạnh tranh cao; Xây dựng quy trình công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản xuất các nguyên liệu phụ trợ trong sản xuất đồ mộc xuất khẩu và gỗ xây dựng từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Đáng chú ý, sẽ đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho một số loại cây trồng chủ lực (tập trung cho lúa, cà phê); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp, dự báo phục vụ phòng chống lũ; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi.

Đặc biệt, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thiết bị phục vụ sơ chế và bảo quản các sản phẩm chủ lực, giảm tổn thất sau thu hoạch; thiết kế, chế tạo một số máy và thiết bị để phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất một số cây trồng chính; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản và muối; Phát triển kỹ thuật điện và tự động hóa phục vụ bảo quản, chế biến nông sản; hoàn thiện công nghệ, thiết bị xử lý các phụ phẩm nông nghiệp; Hiện đại hóa đội tàu gỗ phục vụ đánh bắt xa bờ.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực