(ĐCSVN) - Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Để góp phần thực hiện chiến lược trên, cần phát triển hợp tác xã bền vững trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những đổi mới căn bản, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trở thành nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay.
|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H) |
Thực tế, hiện trạng ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những khó khăn như: xuất khẩu gạo, cà phê và nông sản khác của Việt Nam hiện đang đứng hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng giá trị không cao. Xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng thu nhập của người nông dân sản xuất ngày càng tụt giảm. Tình hình nông dân bỏ ruộng ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc trung bộ đang có xu hướng tăng về địa bàn cũng như diện tích. Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu do mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình của hội nhập. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm, thu nhập bình quân đầu người liên tục giảm. Quy hoạch sử dụng đất không đạt hiệu quả cao như mong muốn. Tình trạng thương lái người nước ngoài hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản tác động tiêu cực đến nền kinh tế và ảnh hưởng tới môi trường. Nguồn nhân lực được đào tạo ở nông thôn còn thấp… Với những tồn tại như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa người dân nông thôn và người dân đô thị.
Hiệu quả hoạt động chưa như mong đợi
Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò rất lớn của hợp tác xã nông nghiệp. Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tính đến cuối năm 2013 Việt Nam có khoảng 370.000 tổ hợp tác; 19.800 hợp tác xã trong các lĩnh vực, trong đó có 10.026 hợp tác xã nông nghiệp chiếm 50,64% tổng số hợp tác xã. Các tổ hợp tác và hợp tác xã đã và đang làm các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân, góp phần vào những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp. Các dịch vụ đó tập trung phổ biến là: dịch vụ làm đất; thủy nông (phục vụ đưa nước tưới tiêu đồng ruộng); bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng điền; cung ứng giống cây trồng vật nuôi và vật tư nông nghiệp. Một số hợp tác xã còn làm được dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển.
Để góp phần thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác), các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp,... đẩy mạnh mối quan hệ liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ nông nghiệp đầu vào, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường cho các thành viên.
Trên thực tế, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong những chủ trương có tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, các hợp tác xã hiện nay lại gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Do chất lượng nguồn nhân lực ở nhiều nơi vừa thiếu, vừa yếu, nên nhiều Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố chưa sâu sát đối với hoạt động của hợp tác xã trong việc tư vấn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho hợp tác xã về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể. Với tư cách là tổ chức đại diện nhưng Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố cũng chưa giúp các hợp tác xã mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp.... thông qua các hợp đồng kinh tế. Không ít hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực nông thôn chưa chủ động xây dựng những kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền do đó vẫn chưa tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của hợp tác xã.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền từ cấp ủy Đảng, Chính quyền đến người dân để thống nhất, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng để có được sự nhận thức thống nhất, sâu sắc về vai trò, vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp là vấn đề then chốt.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã cần được chú trọng hơn; nhất là các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX ngắn ngày, nhằm góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ hợp tác xã. Khuyến khích, động viên lực lượng lao động trẻ và trí thức tham gia vào bộ máy lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp, vừa phát huy được năng lực của họ, vừa phát huy được nguồn lực chất xám tại chỗ. Tuy nhiên, để động viên lực lượng lao động này tham gia hợp tác xã, ngoài việc khuyến khích bằng quyền lợi vật chất, cần có chủ trương trong các cấp ủy, chính quyền địa phương giới thiệu các trí thức trẻ tham gia lãnh đạo các hợp tác xã....
Đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Thực hiện hiệu quả, lồng ghép các chương trình, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Từng bước hình thành những tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, trong đó hạt nhân là các hợp tác xã trong việc gắn kết chặt chẽ hợp tác xã với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thực hiện đào tạo nghề theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng cần thiết, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các hợp tác xã trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã và chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn…