Nâng cao chuỗi giá trị nông sản nhờ ứng dụng công nghệ cao

Thứ ba, 20/05/2014 10:11
 

Hình ảnh sơ chế cà phê (Ảnh: M.P)

(ĐCSVN) - Công nghệ cao được đánh giá là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động, và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Vì vậy, thời gian qua Chính phủ cùng các Bộ ngành đã hết sức chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Vai trò quan trọng của chuỗi giá trị nông sản

Nhìn chung, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, đảm bảo an ninh lương thực, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, trong đó nhiều ngành hàng đứng vị trí hàng đầu trên thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, thủy sản... Và đặc biệt, nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu, góp phấn ổn định cán cân thương mại và giúp chúng ta vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, cũng trong nhiều năm qua, chúng ta luôn đứng trước các thử thách: “được mùa mất giá, mất mùa được giá”; “trồng- chặt”.... Nhiều nông sản tăng sản lượng hàng năm, song gần như không tăng lợi nhuận cho người nông dân, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải can thiệp để đảm bảo nông dân có lời, trước mắt ít nhất 30% trong sản xuất lúa gạo. Nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, song nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là chúng ta đã không tạo dựng được thị trường của riêng mình, mà trong đó các công đoạn tạo nên giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị nông sản hầu như đều nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là công đoạn chế biến và xây dựng thương hiệu quốc gia.

Theo nhiều nhà khoa học thì chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động, trong đó sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động đó theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Tuy nhiên thời gian gần đây, người ta còn bổ sung vào chuỗi giá trị các hoạt động hỗ trợ như quản lý (sản xuất, nhân lực...), hạ tầng, viễn thông... Và do vậy, chuỗi giá trị sẽ hình thành theo sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến thương mại, không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia. Trong trường hợp sản phẩm được tạo ra bởi sự liên kết của nhiều công ty, nhà sản xuất thì chuỗi giá trị sẽ được gói lại trong một khái niệm rộng hơn “Giá trị hệ thống”.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, những nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Việt Nam phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất mà chưa có số liệu về giá trị hình thành ở các công đoạn khác như chế biến, thương mại.

Người nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị. Trong sản xuất lúa gạo, việc sản xuất nhỏ, nhiều giống, thương lái thu mua nhỏ không có điều kiện phân loại giống làm cho chất lượng gạo không đồng đều, không thể xây dựng thương hiệu, ngoài tên gọi chung “Gạo trắng Việt Nam”. Trong sản xuất cà phê, nông dân thậm chí còn chịu thiệt thòi hơn. Các nhà khoa học ước tính, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê cuối cùng. Các công đoạn không hình thành nên giá trị gia tăng, thậm chí làm giảm thu nhập của nông dân như khâu thu gom, đại lý các cấp lại nhiều thêm.

Nhận thức được công nghệ cao là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động, và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các Quyết định của Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến Công nghệ cao trong nông nghiệp được ban hành.

Nhiều giải pháp được ưu tiên

Với tầm nhìn mới trong nông nghiệp là tăng trưởng ổn định, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho người dân thì các giải pháp tổng hợp, trong có có ứng dụng công nghệ cao mang tính quyết định. Theo ông Nguyên Văn Bộ các công nghệ và giải pháp cần được ưu tiên trong công đoạn sản xuất hiện nay đó là chọn tạo giống. Theo đó, chọn tạo giống cây trồng phải thích ứng được với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các công nghệ cần ưu tiên áp dụng là: Công nghệ gen và công nghệ tế bào, trong đó gồm cả công nghệ chuyển gen với các loài cây trồng đã được Chính phủ cho phép (ngô, đậu tương và bông). Công nghệ gen còn được ứng dụng trong giải mã gen, xây dựng bản đồ gen, nhất là với các giống bản địa, đặc sản để cung cấp vật liệu di truyền phù hợp mục tiêu tạo giống, giúp rút ngắn thời gian chọn tạo giống mới.

Để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế, các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng, kể cả chất lượng cảm quan, sinh hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm trong quá trình định hướng chọn, tạo giống. Cùng với đó, việc sản xuất hàng hóa qui mô lớn đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất theo chủ trương “Hộ nhỏ - Cánh đồng lớn” để tăng khả năng cơ giới hóa. Hiện tại công nghệ san ruộng bằng lazer, làm đất, lên luống, gieo/sạ, thu hoạch, vận chuyển, sấy với nhiều cây trồng đều có thể sử dụng máy.

Để nâng cao ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chuỗi giá trị nông sản theo ông Nguyễn Văn Bộ cần phải thực hiện 4 giải pháp cơ bản, đó là: Thứ nhất, giải pháp về thị trường. Trước hết, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng (supply- driven) sang sản xuất theo nhu cầu thị trường (demand- driven). Do vậy, Chính phủ hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Thương vụ và Doanh nghiệp trong nước. Nhằm tránh rủi ro do giá xuống thấp khi vào vụ thu hoạch, Nhà nước nên tổ chức thu gom nông sản và khi giá lên đến mức có lợi cho người dân thì tổ chức đấu giá, thậm chí cả đấu giá xuất khẩu. Thái Lan hiện đang thực hiện thu mua lúa cho nông dân và tổ chức đấu thầu bán lại cho Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Thứ hai, giải pháp về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Theo đó, mỗi nước khi tham gia thị trường (kể cả thị trường trong nước) đều phải xây dựng được thương hiệu của từng sản phẩm để bảo hộ và nâng cao giá trị gia tăng. Chúng ta đã và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, bản địa, tuy nhiên qui mô sản xuất các sản phẩm này lại quá nhỏ bé. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp, Hiệp hội xây dựng thương hiệu thông qua: a) Qui hoạch và xây dựng vùng sản xuất; b) Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hoặc hài hòa tiêu chuẩn quốc tế; c) Quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông; d) Huy động tối đa sự tham gia của các hãng vận tài (kể cả hàng không) để sử dụng và giới thiệu sản phẩm và e) Hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm.

Thứ ba, giải pháp về hỗ trợ Doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Chính vì vậy, họ không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất. Khi Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.

Thứ tư, giải pháp về hỗ trợ xây dựng Hiệp hội ngành hang. Nông dân, thậm chí doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều có qui mô nhỏ, vốn ít, nên khả năng vươn ra thị trường trực tiếp là khó khăn. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để hình thành nhóm sở thích, Hiệp hội theo từng ngành hàng cụ thể. Như vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu phải là các hoạt động có điều kiện và cần có chế tài để giám sát doanh nghiệp. Hiện nay, chính chúng ta đang tự cạnh tranh nhau nên đã làm tổn hại uy tín quốc gia và gây tổn thất cho người sản xuất.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực