(ĐCSVN) - Ngày 5/5, tại Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang tổ chức Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Tham gia diễn đàn có các nhà khoa học đến từ các Viện lúa ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh và 250 nông dân đến từ các địa phương sản xuất lúa diện tích lớn là: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.
|
Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các lãnh đạo ngành nông nghiệp và bà con nông dân (Ảnh: Tiết Sơn) |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu rõ mục tiêu của diễn đàn nhằm giúp cho các đại biểu và bà con nông dân nắm được nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính trên toàn cầu nói chung và các nguyên nhân trực tiếp từ sản xuất lúa nói riêng tại Việt Nam; từ diễn đàn này hy vọng các nhà khoa học, cơ quan quản lý và nông dân sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp quan trọng có thể thực hiện được để góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học báo cáo kết quả thử nghiệm được thực hiện từ năm 2010 đến nay ở năm tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Tiềng Giang, Cần Thơ và Hậu Giang) về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình canh tác lúa, vừa giảm giá thành sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các nhà khoa học và nông dân cũng trao đổi, chia sẻ thông tin, cách làm từ các mô hình đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa. Qua đó, giúp nông dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đúng cách trong quy trình canh tác lúa.
Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG, ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, hằng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, đóng vai trò quyết định đối với an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, việc sản xuất lúa cũng tạo ra nguồn phát thải khí (NH4, CO2) gây hiệu ứng nhà kính. Theo kiểm kê phát thải năm 2000, tổng lượng khí phát thải ở nước ta là 150,9 Tg CO2 (1 Tg = 1 triệu tấn), trong đó chất thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp là 65,09 Tg CO2, chiếm tỷ trọng cao nhất (43,1%) của tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, trong đó khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải lại chiếm tỷ trọng cao nhất (57,5%) của khu vực nông nghiệp.
Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở nước ta, nhiều biện pháp canh tác tiên tiến đang được thử nghiệm như hệ thống thâm canh lúa (SRI); canh tác lúa theo quy trình “1P5G” kết hợp với quản lý nước “ngập khô xen kẽ” được gọi là “1 phải 6 giảm” (phải là giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vê thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính). Đây là kỹ thuật tiên tiến cho canh tác lúa giảm lượng khí phát thải ở ĐBSCL.
Hiện nay, nhiều nông hộ áp dụng các kỹ thuât này chưa đúng quy trình nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa chưa cao và hiểu biết của nông dân về sản xuất lúa giảm phát khí thải còn hạn chế. Vì thế, qua diễn đàn này cũng nhằm cung cấp thông tin đến nông dân, cùng địa phương ứng dụng và nhân rộng kỹ thuật này để tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa, góp phần cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò của nông dân, những người trực tiếp thực hiện các giải pháp trong các gói kỹ thuật áp dụng cho sản xuất lúa cần tuân theo khuyến cáo của các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhằm giảm phát thải khí nhà kính đó là: giảm lượng giống gieo; sử dụng các chế phẩm sinh học tiêu hủy rơm ra ngoài đồng; cày phơi ải, tưới nước hợp lý; giảm thuốc bảo vệ thực vật; giảm phân bón hóa học./.