Nâng cao hiệu quả sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ năm, 26/06/2014 16:04

(ĐCSVN) Là cây lương thực quan trọng chỉ đứng sau cây lúa, những năm gần đây, diện tích trồng ngô trên cả nước liên tục tăng theo từng năm. Tuy nhiên có một thực tế xảy ra là Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn ngô để làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc gia cầm.

Phát triển cây ngô còn gặp nhiều thách thức

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng ở các tỉnh phía Bắc hiện nay, diện tích trồng ngô đang chiếm một diện tích lớn với gần 588 nghìn ha, bằng 50% diện tích cả nước. Trong đó các tỉnh Tây Nguyên là (248,5 nghìn ha và Bắc Trung Bộ 125,6 nghìn ha.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn:nongnghiep.vn )


Với năng suất ngô bình quân đạt 44,5 tạ/ha trong năm 2013, sản xuất ngô của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, năng suất này lại thấp hơn 5,5 tạ/ha so với năng suất ngô bình quân của thế giới.

Báo cáo của Cục Trồng trọt cũng cho thấy, kể từ năm 2009 tới nay, ngô trồng vụ Đông sau đất lúa những năm gần đây lại có xu hướng giảm. Riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng giảm trên 10 nghìn ha, trung du miền núi phía Bắc giảm trên 5 nghìn ha, khu vực Bắc Trung Bộ giảm gần 7 nghìn ha.

Theo đó nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện thời tiết có nhiều biến động, sâu bệnh gia tăng khiến cho năng suất trung bình không cao, hiệu quả sản xuất kém nên nhiều hộ nông dân giảm diện tích canh tác.

Bên cạnh đó, một thực tế cho thấy, mặc dù trong vòng 10 năm qua, diện tích, năng suất sản lượng sản xuất trồng ngô tăng liên tục nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn ngô để làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc gia cầm.

Thực hiện các biện pháp đồng bộ

Trước những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển cây ngô gắn với chuyển đổi cây trồng, định hướng phát triển ngô toàn quốc đã xác định trong thời gian tới phấn đấu đạt 1,2 triệu ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 6 triệu tấn ngô hạt vào năm 2015 và đến 2020 đạt 1,44 triệu ha, sản lượng ngô đạt 7,5 triệu tấn.

Cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô với chỉ tiêu đến 2015 chuyển 120 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang ngô và đến 2020 chuyển tiếp 183 nghìn ha, tập trung chuyển đổi ở hai vùng chính là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Để làm được điều này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát quy hoạch vùng sản xuất ngô tập trung hàng hóa lớn để dễ dàng cho cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành ngô; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng vùng sản xuất ngô tập trung để đẩy mạnh thâm canh và cơ giới hóa sản xuất ngô.

Cùng với đó, đưa nhanh các giống ngô mới năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với từng vùng sinh thái, đưa giống ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà. Nhanh chóng chuyển giao các tiền bộ kỹ thuật vào sản xuất trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, tăng cường mối liên kết trong tổ chức sản xuất ngô theo chuỗi giá trị, đặc biệt liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, dịch vụ đầu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực