(ĐCSVN) – Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần 18 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 23/10, các đại biểu đều mong muốn nâng cao hiệu quả sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, các nhà khoa học cùng với trên 350 nông dân tiêu biểu của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang trong tình trạng tự phát nhỏ lẻ, thiếu các biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Hiện tại, trong chăn nuôi khoảng 23% số vật nuôi chưa được quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi chỉ chiếm 16%, trang trại chăn nuôi lớn có xử lý nhưng cũng chỉ xử lý được trên 60%, còn hơn 30% chưa xử lý triệt để vẫn thải ra môi trường.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, do thu nhập cộng đồng tăng cao về nhu cầu về thịt sữa nên tăng trưởng về số lượng vật nuôi đa số là trâu bò, bò sữa, heo, gà, cũng tăng nhanh. Trong chăn nuôi gà, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con chiếm 55%, trong khi đó số hộ chăn nuôi trên 1.000 con chỉ chiếm 0,78%; trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất, vì vậy, cần có những giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi để đảm bảo môi trường sống được trong lành và hạn chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
|
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo nông dân (Ảnh: V.K) |
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý chất thải chủ yếu là ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt vi sinh vật gây hại, và hiện nay đang đẩy mạnh áp dụng đệm lót sinh học.
Đệm lót sinh học gần đây đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ khoa học công nghệ mới và là hướng đi mới trong chăn nuôi, từ đó đã có chính sách hỗ trợ tới 50% chi phí đối với những hộ trong mô hình dự án áp dụng kỹ thuật này vào sản xuất chăn nuôi. Sử dụng đệm lót sinh học có thể áp dụng cho chăn nuôi hầu hết các loại gia súc gia cầm như: trâu bò, heo, gà, thỏ, gà vịt, chim cút, chim bồ câu,… Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với việc sử dụng cho các loại cây trồng cho sản phẩm sạch.
Việc sử dụng đệm lót sinh học đã được áp dụng rộng rãi ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và hiện đang áp dụng và phát triển mở rộng trên phạm vi nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo thống kê, ở nước ta, đến tháng 11/2013 đã có 55/63 tỉnh thành áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, tuy nhiên mới chỉ có 729 trang trại được áp dụng trên tổng số 12.427 chuồng trại, chỉ chiếm 6,37%. Tại vùng ĐBSCL công tác xử lý môi trường chăn nuôi chưa tốt và nhất là xử lý bằng sinh học con nhiều hạn chế.
Tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi đang được xem là giải pháp tối ưu nhằm giảm tác động đến môi trường, góp phần tăng sức đề kháng với dịch bệnh, tăng cường quá trình tiêu hoá, chất lượng thịt đàn vật nuôi, tiết kiệm chi phí, công lao động, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Báo cáo về kết quả ứng dụng đệm lót sinh học tại Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Đồng Tháp cho hay, với 67 mô hình đã thực hiện trong 03 năm vừa qua trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi trên đệm lót không có mùi hôi từ chất thải của vật nuôi, từ đó hạn chế ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.
Mặc dù có nhiều hiệu quả khả quan nhưng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Tuấn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mô hình này vẫn còn một số hạn chế nhất định như: vấn đề chuồng nuôi có đệm lót bị nóng vào mùa hè, đệm lót mùn cưa sau một thời gian dùng bị nén chặt gây khó khăn cho việc tơi xới đệm lót hàng ngày, phải giảm mật độ vật nuôi trong chuồng có đệm lót để đảm bảo cho sự tiêu huỷ tốt của chất thải...
Diễn đàn đã tạo ra một cơ hội tốt để người chăn nuôi trực tiếp trình bày những thắc mắc và trao đổi với các chuyên gia về kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đây là dịp để người chăn nuôi nắm bắt được khoa học kỹ thuật mới cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giúp hạ giá thành và tăng lợi nhuận, hướng đến phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Có thể thấy, việc ứng dụng đệm lót sinh học là giải pháp kỹ thuật đã được công nhận và thực sự hiệu quả qua trên 6 triệu m2 chuồng trại đã áp dụng thành công. Đệm lót sinh học phù hợp với nhiều đối tượng vật nuôi, giúp giảm công lao động và chi phí thường xuyên trong quá trình nuôi; tiết kiệm điện, nước, giảm ô nhiễm môi trường, cho sản phẩm phân hữu cơ ít gây hại khi sử dụng cho trồng trọt và ngoài môi trường. Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL khi áp dụng đệm lót sinh học còn gặp một số khó khăn như: vật liệu làm đệm lót không thuận lợi, nếu dùng trấu, mùn cưa phải xử lý trước khi sử dụng. Để mang lại hiệu quả cao, cần tuân thủ đúng qui trình áp dụng đệm lót sinh học, các mô hình thành công cần được tổng kết nhân rộng. Các cơ quan nghiên cứu và quản lý có kế hoạch nghiên cứu và khắc phục những tồn tại, vướng mắc để áp dụng vào sản xuất, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp giảm giá thành các loại vật tư. Người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin và quyết định trước khi áp dụng vào sản xuất.