Nâng cao khả năng thích ứng sản xuất nông nghiệp với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 26/11/2014 16:12
(ĐCSVN) - Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, trước sự biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đã đặt ra cho vùng không ít những thách thức.

Đóng góp lớn cho nền kinh tế

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, với gần 3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 75% diện tích đất toàn vùng), hàng năm, đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 50% sản lượng lúa và cung cấp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo của thế giới. Ngoài ra, cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây và 58% sản lượng thuỷ sản của cả nước. Trong đó, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã có thương hiệu nổi tiếng thế giới với khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Không những thế, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích cây ăn trái chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,6 triệu tấn, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước và diện tích nuôi trồng thuỷ sản chiếm 70%.  Sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 41% tổng GDP của toàn vùng.

 
 Ảnh minh hoạ (Nguồn: biendoikhihau.gov.vn)

Mặc dù phải đối mặt với suy thoái kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều thành tựu quan trọng như: ổn định chính trị và xã hội nông thôn; lồng ghép vai trò nông nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; góp phần bảo đảm an ninh lương thực; tăng nguồn thu ngoại tệ qua xuất khẩu; tăng thu nhập và tạo việc làm cho khu vực nông thôn; hỗ trợ tích cực phát triển “tam nông” của địa phương. Nhìn chung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị mất do thiếu quy hoạch và đô thị hóa. Năm 2008 đã giảm còn khoảng 1,85 triệu ha, và sẽ còn giảm nhiều hơn do ảnh hưởng đô thị hóa, chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích. Điểm đáng chú ý, theo một số tài liệu, đồng bằng sông Cửu Long là một trong sáu đồng bằng bị tác động nặng nề nhất về biến đổi khí hậu. Điều quan trọng hơn, theo dự đoán tác động biến đổi khí hậu, đến năm 2050 có khoảng 26,7% dân số và khoảng 31% diện tích đất của vùng bị ảnh hưởng. Việc xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt, mất đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản và ảnh hưởng sinh kế người dân nông thôn đã và đang xảy ra. Điều này sẽ đe dọa an ninh lương thực quốc gia, và tiềm năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong tương lai của vùng.

Tuy vậy, hiện nay sử dụng nguồn nước để phát triển sản xuất nông nghiệp có vần đề lớn về mâu thuẫn như, ở cấp độ cộng đồng, đó là mâu thuẫn giữa cộng đồng trồng lúa và nuôi tôm; ở cấp độ địa phương, phát triển lúa và đê bao chống lũ triệt để ở các tỉnh thượng nguồn dẫn đến xâm nhập mặn đối với các tỉnh thượng nguồn; ở cấp tiều vùng sinh thái Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên là dẫn đến tăng ngập lụt hạ nguồn; ở cấp độ quốc gia, phát triển đập thủy điện thượng nguồn Trung Quốc và phát triển thủy lợi Campuchia, đặc biệt sử dụng nước Biển Hồ đều ảnh hưởng tài nguyên nước toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, chiến lược trữ nước bền vững Biển Hồ, Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần tính toán thật kỹ trong dài hạn.

Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, để vượt qua những thách thức và giảm thiểu tác hại là điều không dễ. Thông thường, thích ứng biến đổi khi hậu được chia làm 3 cấp: Thích ứng sinh học; thích ứng về sinh thái; và thích ứng kết cấu hạ tầng. Vì thế suy xét 3 cấp độ ứng phó này để đầu tư hợp lý, về giải pháp ngắn hạn liên quan đến thích ứng về mặt sinh học và kỹ thuật canh tác. Tăng cường canh tác lúa giảm khí thải; đồng thời có chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học khi cần thiết. Ngoài ra, phát triển công nghệ sinh học để lai tạo và chọn giống phục vụ sự thay đổi thời tiết cực đoan.

Giải pháp trung hạn về phát triển bền vững hệ sinh thái của vùng, cần chú ý, đối với vùng ven biển, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long cần phải có những giải pháp thiết thực như: Đầu tư các trạm quan trắc, theo dõi để cảnh báo sạt lở. Phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Qui hoạch dân cư và qui hoạch phát triển kinh tế xã hội hợp lý để ổn định sinh kế cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức chính quyền địa phương và cộng đồng về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế và đàm phán với các quốc gia thượng nguồn để đảm bảo dòng chảy sông Mekong không bị thay đổi.

Phát triển và khai thác hợp lý rừng ngập mặn theo hướng chọn giống, nhân giống cây ngập mặn trong từng vùng sinh thái dể thực hiện quy hoạch phát triển rừng ngập mặn của nhà nuớc, lập các quy luật về các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các quy trình nuôi hải sản trong rừng ngập mặn nhằm khai thác hợp lý, bảo tồn và phát triển vốn rừng ngập mặn. Tiến hành trồng rừng ngập mặn thành công ở một vài vùng có nhu cầu cấp bách. Phát triển 4 Khu dự trữ sinh quyển (trong đó có 3 khu Cần Giờ, Kiên Giang và Cà Mau đã được UNESCO công nhận là 3 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, và Khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long cần phấn đấu để cũng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới để trở thành 4 Khu dự trữ sinh quyển tiêu biểu trong các nuớc nhiệt đới. Ngoài ra ứng  xử với môi trường cần quan tâm, bao gồm các chủ đề như biến đổi khí hậu và di dân; thích ứng cộng đồng với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Đối  với vùng nội địa đồng bằng sông Cửu Long, cần đẩy mạnh liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản và lồng ghép nâng cao sinh kế người dân nông thôn, theo những tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và theo lợi thế từng địa phương là các mục tiêu quan trọng…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực