Nền nông nghiệp công nghệ cao - mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp

Thứ sáu, 27/06/2014 10:05

(ĐCSVN) - Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Theo nhận định của các chuyên gia, những mô hình tổ chức sản xuất cần được chú trọng đổi mới. Trong đó, mô hình sản xuất quy mô công nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết, mang tính đột phá, sống còn.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: K.V)


Hiện nay, Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang... bước đầu hình thành.

Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao như sản xuất giống tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, cánh đồng lớn ở Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH True Milk, Công ty sữa Mộc Châu, các công ty trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt, Mộc Châu, Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông lâm nghiệp công nghệ Hải Phòng với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel...

Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đã có đóng góp quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng, giá trị xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới như: hạt điều, hạt tiêu đứng thứ nhất; gạo, cà phê đứng thứ hai; chè đứng thứ sáu. So sánh năm 2013 với năm 1976, sản lượng lúa tăng 4,3 lần; sản lượng ngô 13,4 lần; sản lượng cao su 23,6 lần; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 25,2 lần; sản lượng thủy sản: 7,7 lần; diện tích cây trồng 2,1 lần; giá trị sản xuất tăng 5,1 lần... Giá trị sản xuất trồng trọt bình quân cả nước đạt 72,8 triệu đồng/ha, tăng 1,6 lần so với năm 2009; giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản đạt 145,3 triệu/ha, tăng 1,67 lần.

Nếu như năm 2001 chỉ có mặt hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến năm 2013 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD: thủy sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 6,72 tỷ USD; gạo đạt 2,93 tỷ USD, cà phê đạt 2,72 tỷ USD, cao su đạt 2,49 tỷ USD, hạt điều đạt 1,65 tỷ USD, sắn đạt 1,1 tỷ USD.

Thu nhập, đời sống của đại bộ phận cư dân nông thôn được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là những xã nghèo, huyện nghèo. Năm 2013, ước tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 13,3%, giảm 4,1% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a) đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm.

Ghi nhận những thành tựu trên, song cần thẳng thắn nhìn nhận rằng hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao này còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp; chi phí đầu tư, vận hành quá cao dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, nhưng chưa thành công.

Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao: ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa trong thời gian qua chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, chưa tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông lâm sản. Hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chậm.

Tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại: tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 1996- 2000: 4,01%, 2001- 2005: 3,83%, 2006- 2010: 3,03%, 2009- 2013 chỉ còn 2,9%. Nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại của nước ngoài.

Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, các khâu chế biến, bảo quản, vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, giá trị sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp trong chuỗi giá trị. Phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, nhiều loại nông lâm thủy sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến, trong xu thế hội nhập cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; xây dựng, nâng cao hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhằm phát huy các lợi thế và nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên kết hợp với áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực