(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh tái cơ cấu, gấp rút triển khai các biện pháp để thúc đẩy ngành chăn nuôi hiệu quả, an toàn dịch bệnh là cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, các địa phương cần tạo điều kiện để ngành phát triển mạnh mẽ hơn với mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân.
Thực tế hiện nay cho thấy, năng suất, chất lượng chăn nuôi còn thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, công tác quản lý giống vật nuôi còn nhiều bất cập cùng với ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh… đang trở thành những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Điểm sáng của ngành chăn nuôi
|
Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng chăn nuôi (Ảnh: HNV) |
Theo Cục Chăn nuôi, nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tín hiệu thị trường sôi động trở lại nên nửa đầu năm 2014, ngành chăn nuôi đã khởi sắc trở lại, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 3% (so với mức tăng 1,9% năm 2013). Dự báo, nếu duy trì được tốc độ này, chăn nuôi năm 2014 sẽ có mức tăng trưởng khoảng 5%.
Trong khi đó theo Cục Thú y, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trong một thời gian dài nên đến nay, Cục Thú y phối hợp với các địa phương đang tập trung quyết liệt triển khai thí điểm các vùng an toàn dịch bệnh tại 7 tỉnh trên cả nước. Đây được xem là hướng kiểm soát dịch bệnh mang tính bền vững, lâu dài của ngành thú y nhằm chuyển từ tình trạng bị động chạy theo dịch bệnh sang chiến lược chủ động kiểm soát dịch bệnh.
Những thách thức ngành chăn nuôi đang gặp phải
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sản xuất chăn nuôi những tháng đầu năm 2014 gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh và biến động của thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường và giá một số sản phẩm chăn nuôi đang dần ổn định, nhất là thịt lợn và trứng gia cầm, riêng thịt và sữa luôn ở mức cao. Cùng với việc kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh nên sản xuất chăn nuôi đang được khôi phục trở lại. Ước tính mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2014 khoảng 3% so với mức tăng 1,9% của năm 2013. Nếu duy trì được tốc độ này thì năm nay, ngành chăn nuôi sẽ đạt mức tăng trưởng trên 5% so với năm 2013.
Đáng chú ý, tuy Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho 13 nước trên thế giới nhưng nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn còn phải nhập khẩu nhiều.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi mới chỉ hướng vào đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa trong điều kiện nền kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu tăng cao. Nhờ gia tăng đầu con, tăng sản lượng nên đến nay, nhiều loại sản phẩm như thịt lợn, gia cầm, trứng, chúng ta đáp ứng gần như bão hòa thị trường trong nước. Thực tế này cho thấy, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi thay vì lo tăng số lượng, đồng thời tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào. Mà muốn làm được điều này không có cách nào khác là áp dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi.
Trên cơ sở định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Bộ NN&PTNT, các Sở NN&PTNT đã và đang xây dựng đề án tại địa phương theo 4 định hướng: vùng chăn nuôi, giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và thị trường. Đây được coi là những giải pháp để ngành chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất qua việc các sản phẩm chăn nuôi hạ được giá thành, chất lượng cao, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Như vậy, bên cạnh việc phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao gắn với thị trường, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm có khả năng khai thác thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Ví dụ như Hà Giang tập trung vào con trâu, bò, lợn, ong; Quảng Bình tập trung vào bò thịt và gà ri; Sóc Trăng tập trung phát triển bò sữa, lợn và gà...
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, hiện mới có 17/63 tỉnh thành đã hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình tái cơ cấu, chưa biết được nên đi theo hướng nào, cần làm khâu nào trước. Do đó, Bộ NN&PTNT đang có hướng dẫn, chỉ đạo địa phương đi vào khâu giống là khâu đầu tiên, từ đó tác động đến các khâu khác. Bộ cũng đang thực hiện thí điểm quản lý lợn đực giống tại 4 tỉnh là Nam Định, Phú Thọ, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến cuối năm nay, các mô hình sẽ được tổng kết và triển khai nhân rộng trên cả nước vào năm 2015.
Đánh giá về những thách thức cho ngành chăn nuôi hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng cho rằng, mặc dù là ngành chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp của nước ta và nhận được nhiều chính sách bảo trợ, tuy nhiên trong khi ngành trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đã có nhiều mặt hàng có vị thế quốc tế, thì ngành chăn nuôi đóng góp cho XK hết sức khiêm tốn.
Không những thế, lượng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào nước ta đang rất lớn. Hiện nay, mặc dù thịt gia súc và sữa có dư địa phát triển lớn ở nước ta, nhưng thịt bò nhập khẩu đã chiếm 30% thị phần, sữa chiếm 70%. Vì vậy, việc giữ vững thị phần cho các sản phẩm này là bài toán sống còn.
Cần quản lý tốt thức ăn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh
|
Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cũng là việc làm được quan tâm chú trọng để đảm bảo năng suất chất lượng vật nuôi (Ảnh: HNV) |
Một vấn đề nữa cần lưu ý hiện nay là để quản lý thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã triển khai kế hoạch trọng điểm quản lý chất cấm tại 6 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Vĩnh Long. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; trong đó tập trung kiểm tra chủ yếu đối với cơ sở vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, cơ sở xếp loại C, cơ sở không có địa chỉ rõ ràng... Cùng với đó, Cục cũng hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thức ăn.
Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, một giải pháp không kém phần quan trọng là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có như vậy mới có thể mở rộng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Theo Cục Thú y, trong công tác phòng chống dịch bệnh, hiện, chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng chống dịch. Các địa phương đều đã có kế hoạch chủ động phòng chống dịch nên khi có điểm dịch nhỏ lẻ là được xử lý ngay bằng nguồn kinh phí tại chỗ, không phải chờ đến Trung ương như trước kia. Bên cạnh việc cấp chứng nhận cho các cơ sở an toàn dịch bệnh, Cục Thú y đã xây dựng đề án Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014 - 2018. Mô hình vùng an toàn dịch bệnh bước đầu được thực hiện tại 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. Theo ông Phạm Văn Đông, đề án này không chỉ nhằm mục đích phòng dịch bệnh mà mục tiêu tiến tới là các vùng chăn nuôi này sẽ được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Sản phẩm chăn nuôi của vùng an toàn dịch bệnh sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Singapore...
Hiện, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phát triển và sản xuất vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm chủ động phòng chống dịch trong nước và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Bước đầu, Ban chỉ đạo sẽ tập trung vào nghiên cứu và sản xuất vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh. Bên cạnh đó, Bộ này còn đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như FAO, OIE, WHO, USDAID, CDC... triển khai các chương trình giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm, lợn; hợp tác với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... để kiểm soát động vật buôn bán qua biên giới, chủ động phòng ngừa dịch bệnh lây lan vào trong nước.
Để tái cơ cấu ngành chăn nuôi có hiệu quả, mỗi địa phương không chỉ có đề án tổng thể của ngành nông nghiệp mà trong ngành chăn nuôi phải có đề án riêng. Địa phương cần chú trọng phát triển những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế theo hướng tăng nhanh năng suất và hiệu quả để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, gắn với bảo vệ môi trường. Thậm chí, địa phương có thể lựa chọn và xây dựng dự án cho vật nuôi trọng tâm. Trong đó đặc biệt ưu tiên các khâu như: sản xuất giống, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực… để có sự chỉ đạo tập trung, hiệu quả và tạo ra sự đột phá.