(ĐCSVN) - Nghệ An có bờ biển dài 82km, trong đó có nhiều cửa ngạch, sông ngòi, hồ đập,…là diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản. Trong đó gồm 31.569 ha diện tích nuôi ngọt và 3.872 ha diện tích nuôi mặn lợ.Thời gian qua, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng cao, cụ thể, năm 2010 diện tích nuôi 20.522ha, sản lượng đạt 34.053 tấn; năm 2014 diện tích nuôi 23.610ha, sản lượng 44.443 tấn.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Theo Chi cục Thú y Nghệ An, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, năm 2014, công tác tuyên truyền được tăng cường đầu vụ nuôi và khi có bệnh tại các vùng nuôi thông qua các hoạt động phối hợp với báo, đài phát thanh, truyền hình tỉnh đưa tin về công tác, phòng chống dịch bệnh thủy sản, chính sách hỗ trợ đến với người nuôi. Trong công tác kiểm dịch giống thủy sản, nguồn tôm giống xuất từ các cơ sở sản xuất, ương giống được kiểm dịch chặt chẽ với 89.146,8 vạn giống tôm cá được kiểm dịch. So với năm 2013, số lượng thủy sản được kiểm dịch trong tỉnh tăng 3,01%, ra ngoài tỉnh tăng 0,63%. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch tại gốc.
Bên cạnh đó, năm 2014 diện tích bị bệnh trên tôm nuôi nhiều hơn so với năm 2013 là 115,87ha. Về bệnh đốm trắng, xảy ra tập trung 2 đợt, đợt 1 vào các tháng 4,5; đợt 2 vào các tháng 9,10,11, diện tích bị bệnh 33,51ha. Đặc biệt năm 2014, bệnh phân trắng xuất hiện nhiều tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; bệnh xuất hiện rải rác, tập trung nhiều vào các tháng 6,8 và 9. Nguyên nhân do cuối vụ nuôi môi trường ô nhiễm hữu cơ, chất lượng nước xấu, nhiệt độ cao. Tuy nhiên, với nguồn hóa chất Chlorine dự phòng từ tỉnh và Trung ương, hóa chất hỗ trợ từ một số Dự án đã cấp cho các địa phương xử lý các ổ dịch mới phát sinh; công tác dập dịch thuận lợi, các ổ dịch được khống chế nhanh.
Thêm vào đó, Tổ cộng đồng, Hợp tác xã tại các vùng nuôi phát huy hiệu quả trong các công tác chọn giống, kỹ thuật nuôi, phương pháp phòng chống dịch, công tác báo cáo, xử lý ổ dịch. Những công tác này được tuyên truyền đến người nuôi thông qua các buổi tập huấn, bản tin,..nên ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản ngày càng được nâng lên. Quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi được thực hiện thường xuyên để cảnh báo cho người nuôi trong việc cấp nước, phòng bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, lực lượng cán bộ có chuyên môn làm công tác Thú y thủy sản vẫn còn hạn chế; các hoạt động giám sát dịch bệnh, báo cáo, điều tra ổ dịch đạt hiệu quả chưa cao. Đồng thời năng lực chuyên môn của hệ thống thú y cơ sở chưa bắt kịp với tình hình mới.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong năm 2015, theo Chi cục Thú y Nghệ An, thời gian tới, ngành sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt 2015; tham mưu các văn bản liên quan đến các hoạt động Thú y thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra vệ sinh Thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản; kiểm dịch giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh và trước lúc xuất ra khỏi trại giống. Đồng thời, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tham gia các hoạt động tập huấn, duy trì, củng cố hệ thống Thú y thủy sản./.