(ĐCSVN) - Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đạt được kết quả trên, ngành khoa học công nghệ (KHCN) của địa phương đã đóng góp vai trò, vị trí không nhỏ.
|
Chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học tại tỉnh Nghệ An (Ảnh: baonghean.vn) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An, hiện nay, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến như: vùng nguyên liệu chè trên 8.500 ha, vùng mía nguyên liệu 30.000ha, vùng sản xuất cao su trên 11.200ha, vùng lạc xuất khẩu trên 20.000ha, cam quýt 3.000ha.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi có nhiều bước phát triển toàn diện, chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, hiệu quả. Đến năm 2014, tổng đàn trâu bò đạt trên 700.000 con; tổng đàn bò, bê sữa đạt trên 35.000 con, sản lượng sữa đạt trên 100.00 tấn/năm. Đàn lợn trên 1 triệu con, đàn gia cầm đạt trên 17,2 triệu con. Về chế biến và xuất khẩu, năm 2014, sản lượng chế biến thủy sản đạt 25.000 tấn; đường kính trắng đạt 100.000 tấn; chè khô các loại đạt 12.000 tấn,…
Định hướng đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tái cơ cấu theo hướng tập trung vào khai thác và tận dụng lợi thế nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm như: cao su, chè, mía, lạc,…Bên cạnh đó xây dựng, củng cố, hoàn thiện và phát triển liên kết trong sản xuất, nhất là đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Đồng thời, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường kèm cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.
Nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong đó, ngành đã tập trung ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học nhằm tuyền chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, như: lúa, ngô, lạc L14, L23; đậu tương,…Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ enzim vào lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất các sản phẩm chức năng từ tảo xoắn, Nattokinase.
Ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông sản có lợi thế như: kỹ thuật tưới, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP,…Đồng thời, ứng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu bò và đàn lợn. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng vào sản xuất; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đại trà các nông sản có lợi thế.
Thêm vào đó, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là trung tâm của mối liên kết. Trong hai năm 2013-2014, toàn tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, ngô, lạc và nuôi tôm thẻ, qua triển khai hiệu quả sản xuất tăng 10-15% so với sản xuất đại trà, là tiền đề quan trọng để nhân rộng ra sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn kinh phí đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; doanh nghiệp nông nghiệp ở tỉnh vẫn còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực và năng lực còn hạn chế.
Mặt khác, khí hậu, diễn biến thất thường, nhiều thiên tai, dịch bệnh; đầu tư nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả thấp. Hoạt động KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương nhưng hầu như các ngành, địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về KHCN.
Theo Sở NN&PTNT Nghệ An, nhằm thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào phát triển nông nghiệp, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thời gian tới, ngành sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để chọn tạo, nhân giống cây trồng giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong phòng, trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nghiên cứu các loại vật tư, máy móc, thiết bị mới sử dụng trong nông nghiệp; phát triển, chuyển giao công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Song song với đó, nghiên cứu, phát triển công nghệ thủy lợi, công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng nông, lâm nghiệp; công nghệ vật liệu mới, giải pháp kết cấu mới, thiết bị mới phục vụ thi công công trình thủy lợi. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHCN, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm như lúa, chè, ngô; nuôi trồng thủy sản và trồng rừng thâm canh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; thực hiện tốt công tác chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả vào sản xuất đại trà. Hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách để thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.