(ĐCSVN) - Nhằm giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ngô với những ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, trung tuần tháng 3/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An phối hợp Công ty Dekalb Vietnam tổ chức đánh giá chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng ngô lai tại huyện Anh Sơn.
Nhân sự kiện này, các đại biểu còn được tham quan các mô hình trình diễn ngô lai năng suất cao như: DK C919,DK 6919, DK 8868; giao lưu trao đổi kiến thức với cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của Công ty.
|
Mô hình ngô lai cho hiệu quả cao (Ảnh: N.Long) |
Với mục đích giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ngô với những ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như gói giải pháp kỹ thuật canh tác trồng ngô lai của Công ty được giới thiệu đến bà con nông dân như: trồng ngô dày đến bón phân, chăm sóc để đạt năng suất 6,5 đến 8,1 tấn/hatheo từng mùa vụ, cao gấp 1,7 đến hơn 2 lần so với năng suất ngô trung bình tại địa bàn. Triển khai cách đây 10 năm (2004-2014) tại một số huyện như: Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ của tỉnh Nghệ An, các giống ngô lai của Công ty được bà con nông dân đánh giá cao bởi đặc tính vượt trội như: giống năng suất cao, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt....
Hiện, tỉnh Nghệ An có khoảng 60.000 ha trồng ngô. Một số giống ngô lai đã được Bộ NN&PTNT chọn làm giống đối chứng trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia các giống ngô lai mới nhập nội khác trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Việt Nam. Một trong số đó là DK C919 đã được đưa vào trồng giúp giảm bớt thiệt hại sau đợt hạn hán năm 2010 làm thiệt hại hơn 13.000 ha lúa và hàng nghìn ha ngô trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, năng suất ngô liên tục tăng, từ mức 35 tạ/ha đến nay là 41 tạ/ha.
Tính đến thời điểm này, Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng đề án chuyển đổi từ 7.000 đến 10.000 ha lúa kém hiệu quả, đất 2 lúa sản xuất bấp bênh những vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng ngô; xác định ngô là một trong những cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo những vùng miền núi ở địa phương.
Được biết, hàng năm, Công ty tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho khoảng 150.000 lượt nông dân trên cả nước thực hiện cam kết phát triển nông nghiệp bền vững trên toàn cầu của Tập đoàn. Mỗi năm, Công ty đầu tư khoảng 1 triệu USD phục vụ nghiên cứu, lựa chọn ra các giống ngô lai ưu việt và thích nghi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Việt Nam để cung cấp cho nông dân. Ngoài việc nhân giống hiệu quả tại Nghệ An, các bộ giống ngô lai của Công ty hiện cũng đã có mặt tại các địa phương trên cả nước, trong đó nhiều nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước./.