(ĐCSVN) - Ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo khoa học “Bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nước lợ”. Đây là cơ hội tốt để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bà con nông dân trong nhận biết và phòng trừ bệnh dịch ở tôm nước lợ, trong đó đáng chú ý là bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ tháng 1 đến hết tháng 11/2014, dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 250 xã, 69 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 22.624 ha, chiếm 3,3% tổng diện tích thả nuôi của cả nước. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 13.329,4 ha. Diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh là 9.294,64 ha. Bệnh xảy ra trên tôm thẻ và tôm sú, tôm có độ tuổi từ 10-110 ngày sau thả. Tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích 13.529, 47 ha chiếm 59,8%. Còn lại là diện tích tôm thẻ chân trắng bị bệnh.
|
Bệnh đốm trắng ảnh hưởng nghiêm trọng tới người nuôi tôm (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn) |
So với cùng kỳ năm 2013, trong 11 tháng qua của năm 2014, dịch bệnh đốm trắng xảy ra với phạm vi hẹp hơn, với 250 xã thuộc 22 tỉnh bị dịch (trong khi năm ngoái là 280 xã thuộc 28 tỉnh bị dịch). Nhưng diện tích bị bệnh lớn hơn 1,85 lần. So với năm 2012, dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng hơn 2,1 lần về số xã xuất hiện bệnh, diện tích bị bệnh cao gấp 2,6 lần. Cả nước có 3 tỉnh công bố dịch là Sóc Trăng, Nghệ An và Quảng Ninh. Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại lớn nhất với 10.933,82 ha, chiếm tới 48,33% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng trong cả nước.
Cũng trong 11 tháng qua, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 233 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh là 5.591,7 ha, chiếm 0,82% tổng diện tích thả nuôi tôm của cả nước. Trong đó, hình thức nuôi tôm thâm canh bị thiệt hại 5.135,39 ha; diện tích nuôi quảng canh bị thiệt hại 456,35 ha. Bệnh xảy ra cả trên tôm chân trắng và tôm sú có độ tuổi từ 10-103 ngày sau thả, trong đó diện tích thiệt hại trên tôm chân trắng chiếm 63,61%. So với cùng kỳ năm 2013, 11 tháng năm nay dịch bệnh gan tụy cấp xảy ra rộng hơn 1,21 lần về số xã, nhưng tổng diện tích bị bệnh vẫn tương đương.
Năm 2014, đã có 35 tỉnh, thành phố xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2014. Trong đó, có 26/35 tỉnh, thành được bố trí kinh phí, với tổng kinh phí trên 25,2 tỷ đồng. Còn lại 9 tỉnh, thành có kế hoạch nhưng không bố trí kinh phí thực hiện. So với năm 2013, số tiền kinh phí dành cho phòng chống dịch bệnh tôm tăng gấp 2,5 lần. Kế hoạch năm 2015, Cục Thú y đã ban hành công văn đề nghị xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015. Đến nay đã có 10 tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015. Từ đầu năm đến nay, Cục Thú y đã thành lập 29 đoàn đi kiểm tra thực tế tại 23 tỉnh, thành phố. Các cơ quan thú y vùng cũng thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ. Trong quá trình kiểm tra, Cục Thú y đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản như thống kê diện tích nuôi, diện tích bệnh, báo cáo, khai báo, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, quản lý kiểm dịch thủy sản giống, thuốc thú y.
Tổng cục Thủy sản cho biết, trước đó, ngay từ năm 2012, trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, hội thảo khoa học tập trung tìm hiểu nguyên nhân, tác nhân và các giải pháp phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi. Đã tiến hành đồng thời các nhiệm vụ nghiên cứu tìm nguyên nhân gây bệnh và giải pháp phòng trị là nhiệm vụ cấp bách. Để xác định nguyên nhân, tác nhân gây bệnh, các nghiên cứu đã tập trung vào những vấn đề sau: xây dựng bản đồ dịch tễ, vai trò của các yếu tô vô sinh: nhiệt độ, độ mặn, độ Amonia, H2S, NH3, NO2, thuốc bảo vệ thực vật, vai trò của các yếu tố hữu sinh: tảo độc, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và bacteriophage. Những liên quan của các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm, thức ăn dùng trong nuôi tôm đến hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm. Ngoài các hoạt động nghiên cứu của các Viện Nghiên cứu trong nước, Bộ NN&PTNT đã huy động các nguồn lực từ Ngân hàng thế giới, Tổ chức Nông lương liên hiệp quốc (FAO) đã mời các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về bệnh và môi trường nuôi trồng thủy sản tập trung nghiên cứu.
TS Đặng Thị Lụa, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, hiện để phòng chống dịch bệnh, các trang trại sản xuất giống và người nuôi tôm đang sử dụng rất nhiều loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học khác nhau. Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và vô tội vạ đã tạo ra những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh, khi tôm bị bệnh sẽ khó chữa trị.
Ông Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho hay, các nghiên cứu chỉ rõ, trong năm 2014 do lo sợ bệnh, người dân đã sử dụng nhiều chất diệt khuẩn để xử lý định kỳ nước nuôi. Chính việc này đã làm cho tôm sốc và bùng phát bệnh đốm trắng trên tôm. Dùng nhiều kháng sinh phòng bệnh cũng làm giảm sức đề kháng của tôm với bệnh. Mặt khác, do ý thức người nuôi về xử lý bệnh chưa tốt, nước từ ao nuôi bị bệnh đốm trắng được thải ra ngoài môi trường mà không được xử lý triệt để đã khiến mầm bệnh quay trở lại gây hại với mức độ nguy hiểm hơn.
Tại hội thảo, 3 Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III và nhiều doanh nghiệp đã trình bày các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm mà họ nghiên cứu và tự đánh giá là khả thi. Đơn cử như Viện II cho biết đã tạo ra dòng nấm men mang gen VP28 của vi rút gây bệnh đốm trắng, có khả năng tạo ra loại protein phòng bệnh cho tôm sú. Kết quả cho thấy, chế phẩm này có tác dụng bảo vệ đối với tôm sú, hạn chế lây lan vi rút gây bệnh đốm trắng, tuy nhiên không bảo vệ được toàn phần.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản bày tỏ, rất nhiều phác đồ, quy trình nuôi được các Viện đưa ra, nhưng khi triển khai chưa thấy có tính lặp lại ở mức độ thành công. Nghĩa là cùng một quy trình nuôi được áp dụng, nhưng vụ trước thành công, còn vụ nuôi sau thì thất bại. Theo ông Tuấn, bệnh đốm trắng do vi rút WSSV gây ra nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Hiện nay người nuôi tôm thường được khuyến cáo sử dụng Chlorine để xử lý nước. Thế nhưng, tthực tế việc sử dụng hóa chất này hiệu quả chưa cao, cần xem xét lại, nên tìm chất khác. Hiện trên thị trường có rất nhiều chất cải tạo môi trường không đạt chất lượng. Rõ ràng giải pháp sử dụng kháng sinh và hóa chất để phòng chống dịch hiện nay không khả thi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho ngành nuôi tôm. Bởi vậy, cần phải thay thế kháng sinh bằng các chế phẩm sinh học.
Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng băn khoăn: “Một số chế phẩm sinh học, thảo dược đã được nghiên cứu, nhưng khả năng ứng dụng còn rất xa vời. Đến thời điểm này, vẫn chưa xây dựng được giải pháp nào tối ưu cho phòng chống dịch bệnh trên tôm. Bởi vậy, phải nuôi trồng sạch bệnh từ con giống đến môi trường. Phải thay đổi cách thức kiểm dịch hiện tại, trại sản xuất tôm giống cần có điều kiện, đáp ứng an toàn sinh học. Môi trường các ao nuôi cần được xử lý nghiêm ngặt.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu, cần nâng cao ý thức của người nuôi bằng cách tập huấn, truyền thông các mô hình nuôi tôm hiệu quả, những quy định về an toàn sinh học và cách thiết kế ao đầm khoa học. Nên xây dựng và áp dụng kết hợp cả 2 mô hình giám sát bệnh thụ động và chủ động nhằm đưa ra được bản đồ dịch tễ về bệnh và những cảnh báo sớm về tình hình dịch. Các Viện cần nghiên cứu mô hình nuôi bền vững, có thể theo hướng nuôi kết hợp tôm với các loại cá, nghiên cứu các dòng vi khuẩn có tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh, nghiên cứu các chất hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Ngành thú y phải quản lý tốt các loại thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản.