(ĐCSVN) - Trong những năm qua, công tác giống cây trồng tại tỉnh Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng năng suất cây trồng và tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, hiện công tác giống trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Tỉnh Ninh Thuận có trên 45.900 ha đất canh tác nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 80.000ha. Trong đó, diện tích trồng lúa từ 42.000 – 45.000 ha, nho 800 – 1.000ha, mía 2.500 – 3.000ha, đậu các loại 5.000 – 5.500ha,…Nhu cầu giống cây trồng hàng năm trên toàn tỉnh Ninh Thuận cần 16.000 tấn lúa giống, 260-300 tấn giống bắp (giống bắp lai 66-70%), mía giống 4.000 tấn, đậu giống 75-82,5 tấn. Trong tổng nhu cầu giống cần cung ứng, các cơ sở, hợp tác xã, hộ nông dân tự sản xuất đáp ứng được khoảng 70-80% giống lúa, 60% giống bắp, 80-90% giống nho đỏ.
Những năm qua, công tác giống trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng, trong đó đã sử dụng nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao. Thông qua đó, góp phần đáng kể giúp ngành nông nghiệp tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Sản lượng một số cây trồng chính như: sản lượng nho đạt 20.328 tấn vào năm 2014, tăng 8,3% so với năm 2013. Sản lượng mía cây đạt 165.890 tấn vào năm 2014, tăng 2,3% so với năm 2013,…
Tuy nhiên, trong công tác sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, bấp cập. Cụ thể, công tác giống cây trồng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có định hướng rõ ràng về tổ chức sản xuất, kinh doanh giống. Việc tổ chức sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt, chưa quy hoạch lâu dài, chưa thành hệ thống chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở dẫn đến quản lý khó khăn, buông lỏng.
Công tác nhập, nhân giống chỉ quan tâm đến năng suất trong khi chưa quan tâm đến phẩm chất và tính ổn định về giống nên sản phẩm không đáp ứng thị hiếu và không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Công tác quản lý Nhà nước đối với việc nhập, nhân giống đưa ra sản xuất còn hạn chế, đặc biệt là khâu kiểm định, kiểm nghiệm. Hệ quả là chưa định hình được thị trường giống, giống không đủ chất lượng, giống giả lưu hành, chủng loại giống phức tạp và không chủ động được việc cung cấp giống cho nhu cầu sản xuất.
Nhằm từng bước đưa công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao nhanh về năng suất, chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (SNN&PTNT) Ninh Thuận, cần thiết phải tổ chức đổi mới quản lý sản xuất – kinh doanh giống, thiết lập hệ thống công tác giống cây trồng.
Thông qua đó hướng đến chương trình giống giai đoạn 2015-2020 đảm bảo đủ các loại giống tốt cho nông dân để góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng tổng sản lượng lương thực, thực phẩm 3-4%/năm; tăng tỷ suất hàng hóa và tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Trước mắt đảm bảo đủ giống cho diện tích các loại cây trồng đã được quy hoạch trong tỉnh với 15.000ha lúa thâm canh, tập trung là 2 vụ sản xuất chính Đông Xuân và Hè Thu; đảm bảo giống cung ứng cho 10.000 ha bắp lai,…Hình thành được hệ thống sản xuất giống từ tỉnh đến cơ sở hợp lý, phù hợp thị trường, bảo đảm sản xuất được giống các cây trồng chính tại chỗ, giá cả hợp lý phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Hình thành hệ thống quản lý Nhà nước về giống, đảm bảo nhà nước kiểm soát được giống cây trồng cả về chủng loại và số lượng, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống.
Cụ thể, nhằm thực hiện được các mục tiêu trên, theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chọn tạo, bình tuyển và công nhận giống, đáp ứng thị hiếu thị trường trong tỉnh và cả nước về sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Sử dụng các giống có năng suất cao, phẩm chất tốt trên cơ sở ứng dụng các dòng, giống cây trồng có sẵn tại địa phương và du nhập từ các vùng khác về tỉnh, đặc biệt là các giống lai có ưu thế, tăng nhanh sản lượng trồng trọt.
Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, các dòng bố mẹ với cơ quan tạo nguồn giống là các Viện, trường Đại học trực thuộc Bộ NN&PTNT đảm nhận. Sản xuất giống nguyên chủng, nhân giống gốc trồng khảo nghiệm do các Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi của tỉnh, Công ty Cổ phần giống Nha Hố, Trung tâm sản xuất giống Nha Hố,….
Nhằm quản lý tốt về chất lượng giống từ khâu khảo nghiệm đến lưu thông, phân phối, giống cây trồng trong sản xuất đều phải được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ nhằm duy trì được độ thuần di chuyền của giống, bảo đảm được những đặc điểm về tiềm năng, phẩm chất của giống. Các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh giống phải có đăng ký và có đủ điều kiện để tự kiểm định, kiểm nghiệm, gắn thẻ lên bao giống đúng như đăng ký kinh doanh. Cơ quan Nhà nước có thầm quyền kiểm tra, giám sát các khâu trong sản xuất và kinh doanh giống.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh về các mặt trong công tác giống như: chính sách, kế hoạch, quy hoạch, tổ chức bộ máy quản lý, điều kiện sản xuất, kinh doanh giống theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT trên toàn tỉnh, nhằm đảm bảo giống cây trồng sử dụng trong tỉnh được quản lý nghiêm ngặt và hiệu quả.
Ngoài các chính sách về giống cây trồng đang áp dụng hiện nay như: chính sách giống dự phòng thiên tai, chính sách đầu tư nghiên cứu giống, chính sách về chương trình khuyến nông địa phương, cần thiết bổ sung một số chính sách như: sử dụng ngân sách tỉnh đầu tư cho đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, bồi dưỡng cho nông dân tham gia sản xuất giống. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm, trại nghiên cứu chọn lọc sản xuất giống trong tỉnh về các mặt: cải tạo đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu, máy móc thiết bị,… Trợ giá một phần các giống mới có chất lượng cao, hỗ trợ rủi ro khi sử dụng giống mới trong các năm đầu. Nhà nước cần có chính sách khen thưởng, xử lý vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi về mặt thuế cho các đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh giống./.