(ĐCSVN) - Kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, sự phát triển kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hoá đã góp phần làm phong phú đời sống cho người nông dân. Nông dân hăng hái thi đua sản xuất, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm.
Những năm qua, số hộ đói nghèo hiện chỉ còn khoảng 10%, số hộ khá, giàu tăng lên. Các gia đình thuộc diện chính sách được chăm lo tốt hơn. Phần lớn hộ nông dân, nhất là vùng đồng bằng, trung du và ven đô thị có nhà ở, tiện nghi, sinh hoạt, phương tiện đi lại, trình độ văn hoá, điều kiện phòng và chữa bệnh khá hơn trước 80% số xã có điện sử dụng. Các công trình văn hóa, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tuy không tác động ngay và trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của làng xã, song nó là cơ sở đời sống xã hội ở nông thôn. Xét cho cùng, nó cũng ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tinh thần bởi nó là nhịp cầu nối để người nông dân tiếp thu những tri thức, những nguồn thông tin từ bên trong và ngoài nước.
|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
|
Trước đây, cuộc sống tinh thần của người nông dân bị phạm vi luỹ tre làng giới hạn, mái đình là trung tâm hội tụ của tinh thần cộng đồng, thì ngày nay các thông tin mà người nông dân nhận được không phải từ trong phạm vi làng xã, mà ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Nhiều vùng nông thôn đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, phương tiện thông tin, liên lạc, internet, mức hưởng thụ văn hoá của nông dân được nâng cao. Hệ thống thông tin đại chúng như báo chí, đặc biệt là phát thanh truyền hình đã phủ sóng từ 80- 90% vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sinh hoạt hội hè vốn là một nhu cầu giao lưu văn hoá ở nông thôn. Nhu cầu tinh thần này trước đây đã từng tồn tại và là một dạng sinh hoạt không thể thiếu được của cuộc sống cộng đồng làng. Những năm gần đây ở hầu hết các vùng nông thôn, trong nhân dân đã có phong trào quyên góp tu sửa lại đình, đền, chùa, nhà thời, phục hồi lại lễ hội dân gian truyền thống, đã thực sự trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam. Như vậy, những hoạt động văn hoá do các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra không những giúp cho người nông dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc mà còn nâng cao thêm vốn kiến thức về đời sống, về khoa học, về lịch sử, âm nhạc, các đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của người nông dân ở nhiều nơi còn ở mức độ thấp. Số người không được xem phim biểu diễn nghệ thuật, không được đọc sách báo, nghe đài còn chiếm tỉ lệ cao trong nông dân. Các hình thức sinh hoạt văn hoá hiện đại như: xem phim, ca nhạc, chơi thể thao, du lịch… cùng các sản phẩm văn hóa khác như sách báo, tạp chí, băng đĩa… còn chưa phổ biến ở khu vực nông thôn.
Thực tế cho thấy, xem ti vi là hoạt động hưởng thụ văn hóa phổ biến nhất của người dân nông thôn. Các văn hoá phẩm như sách, báo, mới chỉ thu hút sự quan tâm thường xuyên của ít người. Điều này cho thấy, vô tuyến truyền hình đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng nhất trong việc kết nối người nông dân với cuộc sống bên ngoài. Xem tivi là hình thức sử dụng thời gian nhàn rỗi phổ biến nhất của cư dân nông thôn. Các hình thức sinh hoạt và hưởng thụ văn hoá khác có nhưng mức độ phổ biến không cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức sống của người dân còn thấp, các tiện nghi sống thiếu thốn, do vậy hoạt động văn hóa bị hạn chế nhiều. Sự xuống cấp của đời sống văn hóa đã làm cho các tệ nạn xã hội ở nhiều nơi tăng lên như trộm cắp, thanh niên hư hỏng, rượu chè, cờ bạc, tảo hôn, mê tín, ma chay, cưới xin có chiều hướng quay trở lại theo hủ tục.
Những thành tựu trong các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hoá trong những năm qua đã tạo ra tiền đề vật chất quan trọng cho sự phát triển của đời sống tinh thần của người nông dân. Bên cạnh đó sự hiện diện của các thiết chế văn hoá giữa cộng đồng dân cư nói lên nhu cầu văn hoá của quần chúng đã trở nên bức xúc.
Tuy nhiên, trong thời cơ chế thị trường, các phương tiện thông tin đại chúng thoả mãn mọi nhu cầu thông tin của con người nhưng cơ chế thị trường cũng làm cho thông tin trở lên “nguy hiểm”, đặc biệt là đối với một bộ phận thanh niên nông thôn nông nghiệp. Một số tác phẩm thông tin đại chúng đi sâu mô tả những tiêu cực xã hội: mại dâm, ma tuý, tham nhũng, bạo lực… gợi trí tò mò của một số người lập trường không vững chãi. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cho thanh niên có lối sống tích cực, văn minh, giàu nhân ái, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Từ sự thống nhất về thiết chế văn hoá trong những năm qua, các đơn vị văn hoá ở các địa phương đã tiến hành tổ chức các hoạt động văn hoá, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí rất đa dạng và bổ ích. Các hoạt động này được các đơn vị văn hóa ở từng địa phương tổ chức phù hợp với từng lứa tuổi, nghề nghiệp, đặc điểm văn hoá của từng địa phương… Đặc biệt là một hệ thống niềm tin được vật chất hoá bằng cả một nền văn hoá, tín ngưỡng phát khởi từ đình, đền, chùa, lăng, miếu, nơi làng xã công cộng. Hệ thống hội, hè, đình, đám được thiết chế ngay trong chiều sâu tâm thức người Việt, mà đỉnh cao của nó là lễ hội vào dịp xuân sang .
Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Có thể nói nét nổi bật của văn hoá dân tộc Việt Nam là đời sống tín ngưỡng- tâm linh quyện chặt trong các giá trị tinh thần kế tiếp từ đời này sang đời khác. Dù thời đại ngày nay trình độ dân trí đã được nâng cao, tư duy khoa học được phát triển, quan niệm lý tưởng và niềm tin được nhận thức cởi mở, nhưng đời sống tín ngưỡng tâm linh vẫn là sợi dây buộc chặt cộng đồng. Nó đi sâu vào tiềm thức con người, tạo nên một tâm lý cộng đồng cố kết, một yếu tố ổn định, mang một vóc dáng độc đáo, có quan hệ mật thiết với các quốc gia trong khu vực có chung một nền văn minh lúa nước. Nền văn hoá hiện đại Việt Nam sẽ bị một khoảng trống vắng nếu đời sống tín ngưỡng- tâm linh đã trở thành văn hoá truyền thống không được bảo lưu và phát triển trong dòng chảy của dân tộc đến hôm nay và mai sau.
Thời đại ngày nay, trong khi trình độ dân trí không ngừng phát triển theo bước phát triển của khoa học hiện đại trên mọi lĩnh vực, thì chính thời đại ấy rất đề cao các giá trị truyền thống đã tạo nên nền văn hoá cho mỗi quốc gia. Không một giá trị truyền thống của bất cứ dân tộc nào không bị chi phối bởi tín ngưỡng, tâm linh. Biết đặt vai trò tâm linh đúng mức, đúng chỗ cũng có thể là nhận thức được cơ sở triết lý của một tinh thần nhân văn. Một đời sống tinh thần ổn định không bao giờ thiếu bóng dáng của đời sống tâm linh.
Những tiền đề có được trong kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hóa tạo điều kiện tốt để chính quyền các cấp xây dựng nếp sống mới ở nông thôn. Hoạt động này gắn liện với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng làng văn hoá, hương ước mới ở các thôn, bản. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gồm các phong trào như: người tốt, việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá, làng, xã ấp văn hoá... có thể nói đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là đời sống nông dân ở những vùng nông thôn hình thành những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nhiều phong trào văn hoá đã thu hút hàng vạn nông dân tham gia góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Ngoài ra, việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, mở rộng mạng lưới thông tin cơ sở được tiến hành rộng khắp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên nếp sống mới lành mạnh, giúp đồng bào xây dựng cuộc sống mới, văn minh, hiện đại, lọc bỏ hủ tục lạc hậu, phiền nhiễu, cản trở tới sinh hoạt của cộng đồng.
Lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước, nhiều cá nhân, tổ chức buôn bán bất chính đã tận dụng thời cơ, tranh thủ buôn bán lậu văn hoá phẩm qua các con đường phi mậu dịch. Hơn nữa các sản phẩm văn hoá ấy được truyền qua những phương tiện viễn thông hiện đại như cáp quang, vệ tinh, internet… Tình hình này sẽ tạo ra nguy cơ làm băng hoại nền văn hoá dân tộc, làm tổn thương bản sắc văn hoá truyền thống, đạo đức của chúng ta. Những sản phẩm băng đĩa, ghi hình lành mạnh tràn lan trên thị trường một mặt góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp công chúng ở nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, nhiều sở thích khác nhau trong xã hội. Mặt khác, băng đĩa có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với văn hóa Việt Nam tồn tại trong thị trường băng đĩa lậu thường là băng đĩa kích thích bạo lực, nói xấu chế độ…
Nhìn chung, kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hoá trong ở nông thôn là một vấn đề trung tâm của sự phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay. Có thể nói, cơ sở hạ tầng là nhân tố quyết định trình độ phát triển của nông nghiệp, có vai trò đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đời sống tinh thần của nông dân không thể nâng cao nếu không có những tiến bộ trong đời sống vật chất. Xét ở góc độ nào, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân thì kết cấu hạ tầng sẽ là yếu tố đầu tiên. Hạ tầng phát triển, bà con nông dân được hưởng thụ thành quả của sự tăng trưởng kinh tế đất nước, thông qua việc tiếp cận các dịch vụ của hệ thống cơ sở hạ tầng từ đó thu hẹp khoảng cách hưởng thụ của thành thị và nông thôn.