(ĐCSVN) - Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Phát triển thị trường bao gồm phần đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại và làm tăng nhu cầu tiềm năng đối với sản phẩm nông nghiệp. Sự gia tăng nhu cầu là yếu tố quan trọng cho phát triển nông nghiệp.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ cho rằng, cần thay đổi quan niệm phát triển thị trường bằng cách gia tăng nguồn cung liên tục như hiện nay mà nên hướng sang phát triển thị trường bằng cách làm gia tăng nhu cầu. Nhu cầu ngoài nước và nhu cầu trong nước.
Ông Dũng cho hay, thị trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp phải gồm các điểm chính: Sản xuất phải dựa trên các đánh giá nhu cầu của thị trường. Không thể tiếp tục cách làm lâu nay chỉ coi trọng khâu sản xuất, lấy sản xuất làm yếu tố cốt lõi, xem nhẹ các khâu tiêu thụ, tiếp thị, tổ chức kênh bán hàng. Quan điểm thúc đẩy sản xuất, gia tăng sản lượng bất chấp nhu cầu, bất chấp thị trường tất yếu dẫn đến tình trạng dư thừa, phải thường xuyên hạ giá bán.
Phát triển thị trường là phải tìm cách tăng nhu cầu. Bên bán phải có các hoạt động kích thích tiêu dùng, các hình thức quảng bá sản phẩm. Những hoạt động này với nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp thời gian rất kém.
Sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường phải bao gồm yếu tố số lượng, chất lượng và chủng loại. Nghĩa là sản phẩm phải đa dạng và phải đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Về điểm này nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của ta trong thời gian qua cũng rất kém. Người tiêu dùng không thể quay lưng vì chẳng có cái thay thế, còn nếu quay lưng được thì có thể họ cũng từ bỏ.
Ông Dũng nhận định, thị trường bao gồm thị trường nước ngoài và cả thị trường trong nước. Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chỉ hướng đến xuất khẩu (xuất khẩu thô) nhưng không chú ý đến phát triển thị trường trong nước, để hàng nhập khẩu tràn vào thay thế. Khía cạnh này có vấn đề của chính sách, quá thiên về khuyến khích xuất khẩu, ít chú ý vấn đề đầu tư cho sản xuất ở cấp qui mô nhỏ cho thị trường trong nước.
Hình ảnh, thương hiệu, công tác quảng bá là hết sức quan trọng nhưng phải đi đôi với chất lượng, từ khâu nuôi đến chế biến và trách nhiệm sau khi bán hàng. Đây phải là công việc chính của nhà sản xuất, các hiệp hội ngành hàng.
Cũng theo ông Dũng, với các sản phẩm xuất khẩu thì thị trường nước ngoài là tiêu điểm hướng đến, phải có chiến lược lâu dài gia tăng doanh thu. Với những mặt hàng kim ngạch đạt đến mức trên 1 tỉ USD thì mức gia tăng không thể dựa vào số lượng và may rủi của thời tiết mà cần đa dạng chủng loại và có thêm nhiều phân khúc sản phẩm.
Ngoài ra, với những sản phẩm nông nghiệp không xuất khẩu, hoặc chỉ xuất khẩu số lượng ít thì thị trường trong nước là quyết định. Thị trường trong nước là bệ đỡ giai đoạn ban đầu cho hầu hết các sản phẩm trước khi xuất khẩu ra nước ngoài. Thông qua thị trường trong nước cải thiện năng lực chế biến, kênh phân phối, dịch vụ logictisc, hỗ trợ quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, khả năng phản ứng với thị trường để kết nối với các chiến lược xâm nhập thị trường nước ngoài và làm tăng hiệu quả chung của chuỗi. Những họat động xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm ra thị trường nước ngoài sẽ không có hiệu ứng mạnh nếu chưa có những trải nghiệm và được khẳng định ở thị trường trong nước.
Có thể nói, tầm quan trọng của thị trường trong nước chưa được nhận thức đúng mức, thiếu các nghiên cứu sâu về hành vi tiêu dùng, không mạnh mẽ trong xây dựng các kênh tiêu thụ hàng hóa có chất lượng, các đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Chất lượng hàng hóa bị thả lỏng là một trong nhiều nguyên nhân làm suy yếu việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó, yêu cầu hiện nay là cần phải chú ý tới thị trường nội địa đối với các mặt hàng nông sản.