(ĐCSVN) – Việc phát triển cũng như nhân rộng hình thức chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững đồng thời cung cấp nguồn thủy cầm an toàn cho người tiêu dùng.
Nhận định này được phân tích, trao đổi khá chi tiết, cụ thể trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT An Giang) tổ chức ngày 18/7 vừa qua.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc TTKNQG, An Giang là địa phương đã có nhiều tổ hợp tác chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học được xem là tiêu biểu và đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi thế, Diễn đàn là cơ hội thuận lợi để nhanh chóng tìm ra những giải pháp hiệu quả hướng nông dân đến việc nuôi thủy cầm vừa kế thừa được kinh nghiệm truyền thống vừa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
|
Phát triển chăn nuôi thủy cầm gắn với an toàn sinh học (Ảnh: HNV) |
Thực tế, những năm qua, chăn nuôi vịt là nghề truyền thống của ĐBSCL, con vịt và sản phẩm của nó đã gắn liền với văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Nam bộ; mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chăn nuôi thủy cầm chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Nam bộ, đàn thủy cầm vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 41% so với tổng đàn thủy cầm cả nước.
Thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ, năm 2012 đàn thuỷ cầm của cả nước là 84,71 triệu con, đóng góp 27% sản phẩm chăn nuôi gia cầm. Tại ĐBSCL, đàn thuỷ cầm chiếm tỷ lệ cao nhất nước, khoảng 40%, cung cấp số lượng lớn thịt, trứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2012, vùng ĐBSCL sản xuất được 852.000.000 quả trứng, 6 tháng đầu năm 2013 sản xuất được 384.096.679 quả trứng.
Tuy đầu năm 2013 đàn gia cầm trong khu vực giảm nhưng đàn vịt khá ổn định, chứng tỏ lợi nhuận từ chăn nuôi vịt và đầu ra của sản phẩm rất tốt. Hiện có khoảng 6/13 tỉnh, thành ĐBSCL có tổng đàn vịt tăng trưởng. Ở ĐBSCL trung bình mỗi năm tăng khoảng 12,4%, từ 21 triệu con năm 2006 lên trên 67,5 triệu con năm 2012.
Phân tích về thực tế trên, TS Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Bộ phận thường trực Nam bộ, TTKNQG cho biết thêm: ở ĐBSCL, nghề chăn nuôi thuỷ cầm, đặc biệt là chăn nuôi vịt là nghề truyền thống lâu đời và là nguồn thu nhập quan trọng của phần lớn hộ nông dân; đặc biệt là nông dân nghèo. Chăn nuôi vịt tận dụng được điều kiện tự nhiên (ao, hồ, đồng ruộng, kênh rạch…), chi phí đầu tư thấp; đặc biệt là chăn nuôi chạy đồng, vịt chạy đồng tận dụng được khối lượng lớn lúa rơi. Mặt khác, chăn nuôi vịt trong ruộng còn tận dụng được thức ăn trong tự nhiên, tiêu diệt ốc, côn trùng gây hại.
Với lịch thời vụ sản xuất lúa xen kẽ nhau giữa các địa phương nên chăn nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL diễn ra gần như quanh năm và tăng cao theo mùa thu hoạch lúa. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi vịt chạy đồng kiểm soát không chặt chẽ là nguy cơ làm lây lan, phát tán mầm bệnh ra môi trường. Từ tháng 8/2008, đến nay dịch cúm gia cầm vẫn rải rác xảy ra ở một số địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, virus H5N1 tại nước ta được phát hiện trên thuỷ cầm chiếm một tỷ lệ cao. Vịt có khả năng chứa rất lớn virus H5N1 gây bệnh cao mà không có dấu hiệu gây bệnh.
Do vậy, phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học là nhu cầu cần thiết trong điều kiện hiện nay. Liên tục từ năm 2007 đến nay, tại ĐBSCL, TTKNQG cùng với TTKN các tỉnh, thành, Viện Chăn nuôi tổ chức triển khai nhiều mô hình chăn nuôi vịt ATSH tại 10 tỉnh ĐBSCL.
Cũng theo TS Bắc, nhà nông nên mạnh dạn chuyển từ nuôi vịt theo phương pháp truyền thống sang nuôi vịt an toàn sinh học, cụ thể là chuyển nuôi chạy đồng sang nuôi vịt tại nhà vì những lợi ích và hiệu quả trước mắt là cho chính người nuôi. Theo TS Bắc, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang nuôi vịt tập trung an toàn sinh học.
PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận Nam bộ, TTKNQG nhận định: Để chăn nuôi thủy cầm đảm bảo phát triển an toàn và bền vững thì vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của người chăn nuôi. Do đó cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hành các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vacxin đầy đủ, liên kết giữa chăn nuôi với tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp. Thêm vào đó, quản lý chặt chẽ vịt chạy đồng theo tinh thần Quyết định 1405/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 60 và 92 của Bộ NN-PTNT, quy định về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm tại vùng ĐBSCL.
Ông Mai Thành Phụng cũng cho biết, An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL sản lượng nuôi gia cầm rất lớn, có nhiều mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại hiệu quả cao; hạn chế được ô nhiễm môi trường, không phát tán mầm bệnh cúm gia cầm gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Trong 9 năm qua, An Giang không xảy ra dịch cúm gia cầm, đây là một kinh nghiệm quý cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL làm theo.
Tới đây, TTKNQG sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như vịt - cá, vịt - cá – lúa nhằm hạn chế tối đa việc vịt chạy đồng xa, thay vào đó là mô hình vịt chạy đồng gần có kiểm soát và đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: đưa giống vịt năng suất cao, các sản phẩm xử lý môi trường đạt hiệu quả cao nhằm hạn chế tối đa dịch cúm gia cầm xảy ra ở ĐBSCL và các vùng nuôi thủy cầm khác trong nước.