(ĐCSVN) - Những năm qua, Phú Thọ luôn quan tâm đầu tư khoa học và công nghệ (KH&CN) trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, ngày càng có nhiều tiến bộ về kỹ được ứng dụng trên diện rộng, góp phần tạo nên những bước tiến vượt bậc trong nông lâm nghiệp, từng bước tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, cải thiện mức sống của người dân.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: baophutho.vn) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ, thời gian qua, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, về ngành trồng trọt, hàng năm đã lựa chọn được các giống có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện khí hậu và điều kiện canh tác của từng vùng, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Trong đó, diện tích lúa lai đạt trên 50% diện tích, lúa chất lượng cao được mở rộng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh. Diện tích ngô lai chiếm tới 98, diện tích chè giống mới đạt 71% diện tích chè hiện có; các giống sắn mới, cao sản được mở rộng vào sản xuất.
Về biện pháp canh tác, kỹ thuật, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, giàn sạ, mạ ném được mở rộng nhanh chóng. Riêng năm 2014 diện tích áp dụng chiếm tới 60% tổng diện tích gieo cấy; diện tích cánh đồng lớn trên cây lúa được mở rộng qua từng năm. Đồng thời, năm 2014 đã triển khai được 1.315ha với phương thức cùng trà, cùng giống, cùng kỹ thuật canh tác cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-15% so với tập quán cũ.
Bên cạnh đó, các biện pháp tổng hợp khôi phục, phát triển, nâng cao chất lượng mẫu mã bưởi đặc sản tiếp tục được phổ biến, nhân rộng và cho hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng được quan tâm, đặc biệt trên chè và rau. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 47ha.
Về chăn nuôi, hiện nay, tỷ lệ bò lai chiếm 65% tổng đàn, lợn lai chiếm trên 90% tổng đàn. Các giống vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao dần được phổ biến ở các địa phương; công tác lai tạo, cải tạo đàn gia súc được áp dụng rộng rãi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đảm bảo chất lượng và đảm bảo tỷ lệ thụ thai cao. Đồng thời, các phương pháp ủ chua, sử dụng men sinh học chế biến thức ăn dự trữ trong mùa khô và mùa đông ngày càng áp dụng rộng rãi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học và hầm biogas được mở rộng. Thông qua đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, tiết kiệm chi phí chất đốt trong sinh hoạt và một phần nguồn điện thắp sáng, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng tốt cho trồng trọt.
Về thủy sản, công tác nghiên cứu thử nghiệm các giống mới đã đem lại những khả quan ban đầu, cơ cầu giống thủy sản đặc sản và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 35% cơ cấu giống. Các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP, nuôi cá tầm nước lạnh, nuôi cá lăng,…cho kết quả khả quan. Các biện pháp nuôi thâm canh, sử dụng thức ăn hỗn hợp, nuôi cá trong lồng trên sông được áp dụng ở một số vùng trọng điểm của các huyện như Cẩm Khê, Thanh Thủy, Tam Nông,…cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng chủ yếu sử dụng giống keo hạt ngoại chiếm khoảng 67% diện tích rừng trồng. Ngoài ra, công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng biện pháp giâm hom, nuôi cấy mô được sử dụng rộng rãi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh; diện tích canh tác nhỏ, manh mún nên việc ứng dụng các thành tựu KHCN để sản xuất đại trà và liên kết trong sản xuất còn nhiều khó khăn. Trình độ và khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế; thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, không ổn định. Liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp thiếu, yếu và lỏng lẻo; vai trò của các HTX, THT còn mờ nhạt.
Nhằm triển khai và ứng dụng hiệu quả những kết quả của ngành KHCN nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ, thời gian tới, nghiên cứu KHCN sẽ hướng tới ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc thù có lợi thế của tỉnh. Gắn việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật với tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản và chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.
Cụ thể, tổ chức quản lý và triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có cơ chế khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất tổ chức sản xuất hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông lâm và thủy sản. Đối với trồng trọt, ứng dụng quy trình cơ giới hóa đồng bộ, quy trình thâm canh lúa cải tiến; ứng dụng công nghệ cao và phát triển các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất chế biến an toàn theo chuỗi, quy trình thực hành sản xuất tốt; triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, tưới cây vùng đồi.
Đối với chăn nuôi, nghiên cứu phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; ứng dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về thủy sản, mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản đặc sản, đặc hữu phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.
Mặt khác, tiếp tục phát triển tiềm lực KHCN, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách. Tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn vốn đầu tư; mua sắm trang thiết bị vật chất phục vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN./.