(ĐCSVN) – Việc trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại các tỉnh phía Bắc đã chứng minh hiệu quả bước đầu. Phương pháp này đã góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả bảo vệ môi tường, tăng độ phì cho đất trong sản xuất khoai tây, tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích trong điều kiện đất ẩm ướt...
Điều này được Kỹ sư Hoàng Văn Cử, Phòng Bảo vệ thực vật (BVTV), Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết khi trao đổi về phương pháp trồng khoai tây mới tại các tỉnh phía Bắc hiện nay.
|
Hình ảnh trồng khoai tây trên đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: HNV) |
Theo Kỹ sư Cử, ở Việt Nam, kỹ thuật canh tác làm đất tối thiểu đã dược áp dụng khá phổ biến trên một số cây trồng trên vùng đồi núi dốc do giảm xói mòn đất, giảm thất thoát nước và tăng năng suất thu hoạch. Những năm trở lại đây, diện tích trồng bằng phương pháp lâm đất tối thiểu có xu thế tăng nhanh trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất đậu tương vụ Đông, ngô vụ Đông... trên đất 2 lúa tại nhiều tỉnh, thành Bắc Bộ. Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu được Cục BVTV phối hợp với các tổ chức quốc tế cùng một số Chi cục BVTV tỉnh, thành tiến hành nghiên cứu từ 2008 đến nay.
Kết quả thí nghiệm phát triển kỹ thuật tiến hành ở diện hẹp tại 4 tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng đã cho thấy hoàn toàn có khả năng áp dụng phương pháp này tại nhiều địa phương với nhiều giống khác nhau. Về cơ bản, phương pháp này khá đạt với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Đó là: giải quyết khâu BVTV, chú trọng các loại bệnh trên khoai tây và công lao động…
|
Nông dân Nguyễn Thị Tâm. (Ảnh: HNV) |
Cũng theo Kỹ sư Cử, từ năm 2008 đến 2012, triển khai thí điểm rồi tổng kết, thận trọng nhân rộng từ 4 tỉnh lên 10 tỉnh rồi 22 tỉnh, trên cơ sở vừa làm vừa đúc rút và xây dựng quy trình gồm 9 điểm có điểm cơ bản giống truyền thống nhưng có 3 điểm mới để bà con làm và lưu ý trong quá trình thực hiện. Đáng chú ý, phương pháp này đã tận dụng hiệu suất bảo vệ môi trường khi ngăn chặn nạn đốt rơm rạ đang khá phổ biến hiện nay. Không những thế, nhờ phương pháp mới này, năng suất cây khoai tây tăng, hiệu quả tăng, chi phí giảm …
Nông dân Nguyễn Thị Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, gia đình chị đã trồng khoai tây theo phương pháp này từ năm 2009. Trong quá trình áp dụng, cán bộ trạm thực vật giúp đỡ, hướng dẫn. Kết quả canh tác với diện tích gần 2 sào khoai tây, gia đình chị đã thu được hơn 7 tạ/một sào, có khóm năng suất cao (hơn 1 kg khoai), củ to nhất nặng 6 lạng...
Cũng theo chị Tâm, tận dụng ruộng cấy 2 lúa, thường người dân hay trồng đậu, chỉ có có diện tích nào không trồng đậu được thì mới trồng khoai tây. Thời điểm thường là từ tháng 11. Khi trồng cần phải quy hoạch lại ruộng, làm khóm, gọn vùng để đảm bảo an toàn. Thời gian đầu, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật của trạm thực vật sẽ xuống hướng dẫn, hỗ trợ. Sau đó, nông dân tự chủ hết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực cũng phải nhìn nhận vẫn còn thách thức đối với bà con nông dân bởi hiện nay, đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định, giá cả thị trường không ổn định. Chị Tâm cho biết, nếu mở rộng diện tích phải có nơi tiêu thụ chứ với kỹ thuật mới vừa hiệu quả dễ làm vừa tận dụng rơm rạ nhiều, góp phần bảo vệ môi trường vừa cho năng suất cao mà không bán được thì cũng không ai làm cả./.