|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
(ĐCSVN) - Đó là đánh giá tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vật tư nông nghiệp trong năm 2014.
Những chuyển biến tích cực
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, công tác tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Vì vậy, Bộ đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cơ bản được xây dựng đầy đủ và đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được quan tâm hơn với nhiều hình thức phong phú hơn; duy trì và triển khai tốt các chương trình giám sát.
Đặc biệt là tăng cường kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT; thanh, kiểm tra liên ngành, đột xuất một số sản phẩm thực phẩm có nguy cơ chứa chất độc hại vi phạm quy định về ATTP. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin chính xác và cảnh báo đến người tiêu dùng về các sản phẩm đã kiểm tra; kiểm soát chất lượng, ATTP nông sản nhập khẩu theo Thông tư 25/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT.
Đến nay đã có 1.589 cơ sở sản xuất sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn và 3.199 cơ sở sản xuất sản phẩm thủy sản của nước ngoài được phép xuất khẩu vào Việt Nam; 40 nước (trong đó 34 nước được công nhận chính thức, 2 nước trong danh sách tạm thời và 4 nước chỉ được phép xuất khẩu một số mặt hàng theo quy định) được phép xuất khẩu vào Việt Nam sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đồng thời đã đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình sản xuất tốt vào sản xuất, tăng cường công tác thanh tra.
Đáng chú ý, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Tiếp tục thực hiện đánh giá và chỉ định các phòng kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP. Đến nay đã có 116 phòng kiểm nghiệm trong và ngoài ngành được chỉ định là phòng thử nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hoạt động của toàn hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP chưa đồng đều, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức. Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản chưa đạt yêu cầu, khắc phục yếu kém sau kiểm tra còn chậm. Nhiều vụ việc mất ATTP và nguy cơ vi phạm về VSATTP còn cao vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Phát huy hiệu quả trong năm 2015
Phát huy những kết quả tích cực của năm 2014, trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng và vệ sinh ATTP và xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
Tổ chức triển khai các chương trình giám sát ATTP nông sản thủy sản theo kế hoạch; thực hiện triển khai Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với đầy đủ các nhóm sản phẩm VTNN và nông lâm thủy sản, ưu tiên nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng, ATTP.
Triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 30/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 1165/QĐ-BNN-TCCB ngày 21/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản, diêm nghiệp; chú trọng quản lý chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm chuyên dùng, chuyên ngành, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm và xây dựng trung tâm kiểm nghiệm kiểm chứng đáp ứng yêu cầu khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp sẽ chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin ATTP cho người tiêu dùng. Tiếp tục giải quyết các rào cản kỹ thuật liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc động, thực vật nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam.