(ĐCSVN) - Là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong việc phát huy và bảo tồn các loại cây dược liệu, qua đó hình thành nên một trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của toàn tỉnh.
Nguồn dược liệu phong phú, đa dạng
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, đến cuối 2005, trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 3.948 loài cây thuốc, thuộc 263 họ thực vật và Nấm, trong đó riêng tỉnh Quảng Ninh, đã ghi nhận được khoảng trên 500 loài cây thuốc. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều loài dược liệu tự nhiên đã dần trở nên cạn kiệt thì rừng Quảng Ninh vẫn là địa chỉ cung cấp có ưu thế cạnh tranh rất cao đối một số loại dược liệu quý, có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường như Ba kích, Sâm cau, bách bệnh...
Các khu rừng đặc dụng Quảng Ninh cũng là nơi sinh sống của gần 20 loài cây quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt nam và Thế giới, nhiều cây thuốc quý được tìm thấy gần đây có thể kể ra như: Lan kim tuyến, Trà hoa vàng, Xạ đen, phân bố tại địa phương. Điều này cho thấy tính đa dạng loài cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là rất lớn và còn nhiều loài chưa được nghiên cứu, phát hiện.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: VT) |
Bên cạnh đó, nhiều mô hình trồng và phát triển cây dược liệu đã xuất hiện và trở thành những hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn như: mô hình doanh nghiệp trồng cây thuốc của Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Đông Sơn đang trồng hơn 85 ha dược liệu; mô hình Hợp tác xã trồng cây thuốc của Hợp tác xã Toàn Dân - huyện Ba chẽ với quỹ đất hơn 1100 ha đất rừng; mô hình hộ cá thể trồng cây thuốc củamột số hộ gia đình cũng tham gia trồng cây thuốc tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Móng Cái (Quế, Hồi); Móng Cái (Gấc, Kim ngân, Rau ráu); mô hình tổ chức khoa học công nghệ của Công ty CP Tùng Lâm đã phối hợp với Công ty DKpharma – ĐH Dược Hà Nội xây dựng Vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm 650 loài dược liệu và được thẩm định công nhận là tổ chức khoa học công nghệ.
Với những lợi thế trên, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã đưa vào sản xuất và đưa ra thị trường 28 sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng như: Hoạt huyết dưỡng não, Hoàn long não hạt sen, Mẫu sinh đường, Bổ phế thủy, Phong thấp thủy…Bên cạnh đó chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP ) cũng đã tạo ra một số sản phẩm từ thảo dược có công dụng hữu hiệu như: Trà Giảo cổ lam, Trà Diệp hạ châu, Dầu xoa bóp Yên Tử….
Tạo điểm đột phát trong phát triển nguồn dược liệu
Mặc dù Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, việc phát triển dược liệu vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc khai thác tài nguyên cây thuốc còn mang tính tự phát, chưa quan tâm đến tái sinh, bảo tồn dẫn đến nhiều cây thuốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt; phát triển dược liệu mới dừng ở mức phần lớn là xuất thô, chưa quan tâm nhiều đến việc sơ chế, chế biến, tạo ra các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị dược liệu; các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, dạng bào chế đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao và chưa có sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, tỉnh đã cam kết dành các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu trong thời gian tới như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, thuê đất; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến về hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước…
Điều này cũng được thể hiện tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tổ chức tại Thành phố Hạ Long vào tháng 11 vừa qua. Tại đây UBND tỉnh Quảng Ninh ngoài việc tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho Trung tâm bảo tồn phát triển sinh vật cảnh và làm vườn Quảng Ninh đã ký kết 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tại Quảng Ninh. Quyết tâm phát triển dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho nhân dân và thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.