Sử dụng phân bón đồng bộ cho phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ tư, 27/08/2014 19:28

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đối khí hậu toàn cầu như hiện nay, vấn đề sử dụng phân bón đồng bộ và cân đối càng trở nên quan trọng hơn.

Sau gần 28 năm thực hiện đường lối đổi mới (từ 1986 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Sản xuất nông nghiệp đóng góp 24% GDP, 30% sản lượng xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 60% lao động cả nước. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế.

Phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng

 

 Phân bón đóng một vai trò lớn trong tăng năng suất cây trồng (Ảnh: Minh Nhật)


Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lâu nay vẫn chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ môi trường. Sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nông sản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của cả ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng và được sử dụng khá lớn hàng năm. Phân bón đã góp phần đáng kể tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế (IPNI), phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng, nó lại chính là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống.

Không phủ nhận một thực tế là phân bón đóng một vai trò rất lớn, tổng sản lượng nông sản tăng lên nhờ phân bón tại Việt Nam ước tính khoảng 35-40%. Sử dụng phân bón nói theo nghĩa hẹp là để giữ cho độ phì nhiêu của đất được ổn định, làm cho năng suất cây trồng được ổn định, đầu tư hợp lý mà vẫn có năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao, môi trường trong sạch.

Để góp phần phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, cần áp dụng nhiều biện pháp một cách đồng bộ và toàn diện. Một trong những biện pháp hữu hiệu đó là ứng dụng các chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hóa chất có tác động xấu đến môi trường.

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển nhanh mạnh của khoa học công nghệ, do nhu cầu an ninh lương thực của thế giới và mục đích lợi nhuận mà các nhà sản xuất đưa ra thị trường một khối lượng lớn các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Có thể thấy, con người đã quá lạm dụng các chất hóa học và làm cho đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng. Hệ sinh thái bị phá vỡ và mất cân bằng, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, cây hấp thụ nhiều loại chất hóa học độc hại mà không thể phân giải hết tồn đọng dư lượng trong nông sản, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe con người. Bởi thế, việc thâm canh nông nghiệp, bón phân hữu cơ vi sinh đầy đủ ngoài việc phục hồi tái tạo lại sự cân bằng, trả lại cho đất độ phì nhiêu màu mỡ, cải tạo đất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và hóa học đồng thời đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững.

Phát triển phân bón hữu cơ vi sinh vì nền nông nghiệp sạch và an toàn môi trường, sức khỏe

 

Phân hữu cơ vi sinh được xem là có tác dụng với sản xuất nông nghiệp
 bền vững (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An)


Phân bón là vật tư đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững là nông nghiệp tất yếu, do đó, phải thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phân bón trong đầu tư nông nghiệp. Vì vậy, nhà nước cần tăng cường công tác truyền thông đối với bà con nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp bền vững; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học phục vụ cho nền nông nghiệp bền vững. Nhà nước cũng cần thực hiện nhiều dự án, mô hình theo chương trình GAP nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp an toàn cho các loại cây trồng trên cả nước.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện nay, cả nước có gần 500 cơ sở sản xuất phân hữu cơ với trình độ công nghệ khác nhau, quy mô từ vài ngàn tấn cho đến hàng trăm ngàn tấn/năm. Phân hữu cơ chế biến tập trung trong 3 nhóm chính: hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng và hữu cơ vi sinh nhưng trong mỗi nhóm lại khác nhau. Các kết quả điều tra cho thấy nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú và điều rất đáng quan ngại là từ những nguồn nguyên liệu khác nhua về thành phần và hàm lượng đấy, nhiều cơ sở hoàn toàn thủ công cho ra thị trường hàng loạt sản phẩm phân hữu cơ trong đó nhiều sản phẩm không đủ chất lượng như đăng ký, có khi còn có cả những nhân tố gây hại vượt ngưỡng cho phép trong khi công tác quản lý nhà nước về phân bón còn chưa đủ chặt thì tất yếu trồng trọt và người nông dân phải gánh chịu hậu quả khó lương.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các doanh nghiệp là hội viên có trách nhiệm to lớn trong đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực nói trên đồng thời nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng tốt, đáng tin cậy và ngày càng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cao trong từng sản phẩm.

Chúng ta đều biết rằng, để đạt hiệu quả cao trong sử dụng phân bón cần áp dụng 4 nguyên tắc: đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Tuy nhiên, không phải ai và lúc nào, nông dân cũng thực hiện đúng và đủ nguyên tắc trên. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Dung, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, là người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, chúng tôi rất hiểu vai trò và sự cần thiết phải bón phân trong quá trình sản xuất. Trước, do còn chăn nuôi trong gia đình nên chúng tôi đã tận dụng được nguồn phân hữu cơ để bón cho lúa và chỉ mua bổ sung thêm một lượng phân đạm,kali, lân dùng để bón lót. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều các loại phân bón khác nhau đa dạng về chủng loại và màu sắc, mẫu mã của nhiều công ty khác nhau khiến những người nông dân chúng tôi khá băn khoăn khi sử dụng. Hơn nữa, bản thân chúng tôi cũng vẫn còn thiếu kiến thức trong sử dụng phân bón, chủ yếu vẫn bón theo kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao, thậm chí có lúc mua phải phân bón giả gây thiệt hại lớn trong sản xuất và kinh tế gia đình.

Cũng theo chị Dung, chị và nhiều nông dân khác thiết tha đề nghị các cấp ngành chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng phân bón và khuyến cáo với nông dân, tránh để nông dân chúng tôi loay hoay trong lựa chọn sản phẩm phân bón. Thêm nữa, cũng cần tuyên truyền để nông dân hiểu và biết cách bón phân đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường sử dụng các mô hình sử dụng phân bón đồng bộ khép kín, có cơ chế hỗ trợ nông dân tiếp cận với phân bón chất lượng tốt với giá cả hợp lý.

Về cơ bản, nông dân đều mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất phân bón kết hợp để đề xuất ra các loại phân bón phù hợp với từng vùng đất, từng cây trồng để gia tăng năng suất, ổn định sản lượng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đời sống của người nông dân. Đặc biệt, theo xu hướng hiện tại, cần thiết tập trung phát triển phân bón hữu cơ vi sinh vì một nền nông nghiệp sạch, vì một môi trường trong sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nông dân nói riêng và người dân nói chung./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực