Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững

Thứ tư, 28/05/2014 18:46

(ĐCSVN) – Sau gần 1 năm thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đơn vị đã đúc rút kinh nghiệm và xây dựng Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, ngành sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ đặc biệt công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới công tác bảo vệ thực vật; hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm; đẩy mạnh chế biến, bảo quản, áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất thoát sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tác công tư PPP, tăng cường xúc tiến thương mại...

 

 Áp dụng công nghệ cao gia tăng năng suất cây trồng. (Ảnh minh họa: HNV)


Cụ thể, đối với lúa gạo, thực hiện đổi mới ngành sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu có hiệu quả cao; chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản; rà soát quy hoạch, xác định các vùng đất chuyên trồng lúa nước cần được bảo vệ và đầu tư hạ tầng đồng bộ; xác định cơ cấu giống phù hợp với nhu cầ thị trường; nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tiết kiệm giống, phân bón, nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm từ lúa, gạo (rơm rạ, vỏ trấu) để tăng giá trị gia tăng.

Đối với cây rau màu và cây nguyên liệu chế biến, cần đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa các cây rau màu, hoa, nấm ăn và nấm dược liệu theo yêu cầu thị trường; tập trung các sản phẩm đang nhập khẩu lớn như ngô, đạu tương làm thức ăn chăn nuôi trên cơ sở diện tích hiện có và mở rộng diện tích trên đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động động tưới; mở rộng vụ Đông trên đất 2 lúa; khai thác diện tích đất lúa 1 vụ ở miền núi; áp dụng giống ưu thế lai, ngô chuyển gen; tăng cường bảo quản, chế biến giảm tổn thất sau thu hoạch. Nâng cao năng suất, chất lượng mía để tăng khả năng cạnh tranh của đường Việt Nam; quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh tăng năng suất sắn đáp ứng nguyên liệu chế biến tinh bột và sản xuất etanol…

Đối với cây công nghiệp lâu năm có khả năng cạnh tranh cao (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè), Kế hoạch nêu rõ cần rà soát quy hoạch phát triển cao su, cà phê, chè; quy hoạch phát triển hồ tiêu, điều cho phù hợp với thị trường và đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững, ưu tiên tập trung tái canh cà phê để duy trì năng suất, sản lượng cà phê; thâm canh tăng năng suất, chất lượng điều, giảm lượng điều nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với cây ăn quả, mở rộng diện tích, thâm canh, rải vụ, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm cây ăn quả, trong đó tập trung các cây ăn quả chủ lực như thanh long, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, vải, chuối…

Cũng theo đó, Cục trồng trọt còn chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Cục sẽ nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt theo nhu cầu thị trường; áp dụng giống ngô, đậu tương, bông chuyển gen; khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Về kỹ thuật canh tác, áp dụng công nghệ cao, các quy trình sản xuất bền vững theo “Thực hành nông nghiệp tốt” (GAP) theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhằm tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, thu hoạch, bảo quản cho nông dân; ưu tiên các dự án khuyến nông trung ương cho các sản phẩm trọng điểm như: lúa gạo, cà phê, điều, mía, chè, ngô, rau an toàn, quả an toàn… phục vụ tái cơ cấu.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa được Cục chú trọng là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tác công tư PPP, tăng cường xúc tiến thương mại. Theo đó, nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; Xác định mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến để khuyến cáo phát triển cho phù hợp; Đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ để phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác theo Luật HTX 2012. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo đồng. Tiếp tục hoàn thiện, mở rộng, nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức sản xuất bền vững theo hình thức PPP; trước mắt, giai đoạn 2014-2015 cùng các đối tác tập trung triển khai kết quả 4 mô hình PPP: chè, cà phê, ca cao, rau khoai tây.

Về cơ chế chính sách, ngoài cụ thể hóa và ưu tiên lồng ghép các kinh phí để thực hiện cá chính sách đã được ban hành, cần xây dựng mới chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa; chính sách tái canh cà phê, chính sách áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn (cao su, cà phê, hồ tiêu, mía…) trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ giống mới, xây dựng mô hình, đào tạo, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là cho nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa.

Cục trồng trọt cũng đề ra nhiệm vụ đổi mới công tác bảo vệ thực vật; nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm.

Kế hoạch tái cơ cấu ngành còn đề cập tới nội dung đổi mới cơ chế chính sách và tăng cường hiệu lực nhà nước về trồng trọt để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn sản xuất. Đáng chú ý, Kế hoạch cũng tính tới việc trình Bộ trưởng ban hành 6 Thông tư hướng dẫn trong năm 2014-2015, trong đó có 1 Thông tư về công nhận cho áp dụng trong sản xuất giống cây trồng biến đổi gen.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực