(ĐCSVN) - Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các hợp tác xã (HTX) ngành nghề nông thôn và diêm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện, hoạt động của các HTX thuộc lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Theo Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay có 136 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (cơ khí, chế biến nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ) với 2.992 xã viên, trung bình khoảng 20 xã viên/HTX. So với cuối năm 2012, giảm 3 HTX do một số HTX đã tiến hành hợp nhất, một số HTX bị thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác và giải thể do hoạt động kém hiệu quả.
Trong đó, HTX chế biến nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực cung cấp nguyên liệu, mẫu mã và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên; gắn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống với du lịch và xây dựng nông thôn mới; thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời cung cấp vật tư, nguyên liệu sản xuất và đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm cả các địa phương khác có nghề truyền thống tương tự; thiết kế các mẫu mã mới; tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Hoạt động của các HTX nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho xã viên với mức bình quân 1,5-4 triệu đồng/xã viên, ngoài ra còn tạo việc làm cho người dân trong vùng; giảm di dân tự do. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX còn góp phần giữ gìn nghề và phát triển truyền thống gắn với văn hóa của địa phương.
Về HTX sản xuất muối sạch, hiện, toàn quốc hiện có 56/61 HTX đang hoạt động. Trong đó miền Bắc có 7 tỉnh; miền Trung, Nam Trung Bộ có 7 tỉnh và Nam Bộ 7 tỉnh. Hoạt động của HTX sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh muối trên bạt; ký kết hợp đồng tiêu thụ muối sạch với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến muối. Hoạt động của HTX mang lại hiệu quả cao với doanh thu tăng 3 lần so với sản xuất truyền thống.
Nhìn chung, hoạt động của các HTX chế biến nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ, diêm nghiệp đã tạo được lòng tin, sự ủng hộ và tham gia của xã viên. Các HTX đã quan tâm, chăm lo đến lợi ích xã viên, bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống cho xã viên và người lao động.
Bên cạnh đó, các HTX đã đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường kinh doanh, khai thác tối đa nhu cầu thị trường nhằm tạo việc làm, thu hút thêm lao động làm việc lâu dài và ổn định trong HTX. Nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi và học tập kinh nghiệm; tích cực tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý, điều hành, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, phục vụ công tác tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật tới xã viên,…Đồng thời, các HTX đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc phát triển để định hướng, xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, với HTX diêm nghiệp, cơ sở hạ tầng đồng muối dù đã được nhà nước đầu tư nâng cấp cải tạo nhưng đến nay, ở một số nơi đã bị xuống cấp, cung cấp nước và tiêu nước ngọt bị hạn chế dẫn đến giảm năng suất, chất lượng muối.
Công nghệ sản xuất muối của đa số HTX diêm nghiệp lạc hậu, năng suất, chất lượng muối thấp, giá thành cao nên khả năng cạnh tranh trong thị trường thấp. HTX diêm nghiệp đa số có vốn ít nên việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ khó khăn nên HTX thực hiện tiêu thụ muối cho xã viên còn hạn chế. Đồng thời, HTX chưa đầu tư vào hệ thống kho để tiêu thụ muối cho xã viên; đa số diêm dân tự bán muối cho các tư thương và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh muối.
Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác ngành nghề nông thôn và diêm nghiệp phát triển, hoạt động hiệu quả cao, theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đề xuất xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với các chính sách cụ thể, phù hợp với từng ngành.
Về chính sách đất đai, cần có quy định cụ thể về tạo điều kiện cho các HTX, THT trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, diêm nghiệp có đất để sản xuất, làm trụ sở và xây dựng nhà xưởng. Thực hiện dứt điểm công tác cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho xã viên theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về chính sách tín dụng, cần xem xét bổ sung, sửa đổi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX như: được thế chấp đất (sổ đỏ) của HTX và đơn giản hóa thủ tục khi vay vốn tín dụng; có cơ chế xử lý những phát sinh khó khăn trong thực tiễn để giúp các HTX phát triển.
Về khoa học công nghệ, khuyến diêm, khuyến nghề, ưu tiên bố trí kinh phí chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến muối; phát triển nghề truyền thống cho các HTX theo Quyết định 1831/QĐ-TTg ngày 1/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2015 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Về xúc tiến thương mại, bố trí kinh phí Ngân sách nhà nước hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng website,…trong kế hoạch hàng năm. Đồng thời, về đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ HTX, THT, cần đổi mới công tác đào tạo phù hợp với đặc thù chuyên ngành như hỗ trợ trực tiếp cho nghệ nhân để truyền nghề, nhân cấy nghề. Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm từng ngành nghề, thời vụ sản xuất. Bố trí kinh phí triển khai xây dựng mô hình, đào tạo nghề, kiểm tra, hướng dẫn các HTX, ngành nghề nông thôn, diêm nghiệp áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất./.