Theo báo cáo của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ, với nhu cầu giống lúa cho sản xuất ở Nam bộ khoảng 700.000 tấn giống/năm, hiện nay sản xuất lúa giống ở Nam bộ đang ở giai đoạn bùng phát với trên 200 đơn vị sản xuất kinh doanh có đăng ký và hàng ngàn câu lạc bộ, tổ hợp tác và nông dân sản xuất giống nông hộ.
|
Các giống lúa triển vọng của Viện Lúa ĐBSCL được giới thiệu bầu chọn trong vụ đông xuân 2015. (Nguồn: baocantho.com.vn) |
Khó khăn trong sản xuất và quản lý giống lúa là giống sản xuất và kinh doanh không nằm trong “Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, việc đăng ký phù hợp quy chuẩn và công bố hợp quy còn thiếu sót, nhiều lô hạt giống lúa không được kiểm nghiệm chất lượng trước khi đưa ra thị trường.
Tại Hội nghị Giao ban sản xuất trồng trọt các tỉnh Nam bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua tại tỉnh Vĩnh Long, đại diện Sở Nông nghiệp các tỉnh trong khu vực kiến nghị Bộ cần hỗ trợ thông tin thị trường về gạo để định hướng sản xuất giống; hoàn chỉnh các quy định về quản lý chất lượng giống lúa và tăng cường công tác kiểm soát chất lượng giống trên thị trường; tổ chức bộ phận kiểm tra giống theo hướng chuyên ngành ở các cấp để có thể kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các công ty, đơn vị sản xuất giống.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý chất lượng giống lúa, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đầu tư trên 11 tỷ đồng phối hợp với 11 Trung tâm giống các tỉnh trong khu vực triển khai 2 dự án gồm: dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại ĐBSCL” và dự án “Sản xuất giống lúa xuất khẩu cho vùng ĐBSCL”. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ tăng cường kiểm tra hồ sơ lô giống và lấy 180 mẫu/năm để kiểm tra chất lượng giống lúa trên thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán giống lúa của các tỉnh Nam bộ, khuyến cáo hạn chế việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất kinh doanh, chưa được công nhận là giống cây trồng mới để nâng cao chất lượng, cơ cấu giống lúa.
Tại Vĩnh Long, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh xây dựng 36 hợp tác xã, tổ sản xuất và câu lạc bộ nhân giống với quy mô 100 ha sản xuất giống nguyên chủng và 600 ha sản xuất giống xác nhận, kết hợp 120 cơ sở kinh doanh lúa giống, hàng năm cung ứng 11.300 tấn giống, chỉ mới đáp ứng 39% nhu cầu giống cho sản xuất lúa trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, việc thanh kiểm tra hiện chỉ đánh giá về các điều kiện kinh doanh chứ chưa quan tâm đến vấn đề hậu kiểm chất lượng giống lúa, diện tích sản xuất lúa giống còn manh mún nên chi phí khâu sơ chế cao. Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất phù hợp để chủ động trong sản xuất giống lúa xác nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để cung cấp giống chất lượng phục vụ sản xuất lúa hàng hóa, cần xây dựng giải pháp thống nhất và đồng bộ giữa các địa phương để nâng cao chất lượng lúa giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiện toàn các văn bản về quản lý giống lúa, quan tâm khâu hậu kiểm chất lượng giống để các địa phương áp dụng thực hiện một cách đồng bộ./.