(ĐCSVN) – Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, phát triển việc sử dụng đệm lót sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để xử lý môi trường chăn nuôi với chi phí thấp chính là giải pháp hiệu quả mở ra hướng đi mới mang tính bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay.
Thống kê của Cục chăn nuôi cho thấy, tính đến tháng 11/2013, cả nước đã có 40/63 tỉnh, thành phố áp dụng mô hình dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trong đó có 752 trang trại, 61.449 hộ gia đình với tổng diện tích 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học (trong đó diện tích đệm lót sinh học chăn nuôi lợn là 70.000m2 và chăn nuôi gia cầm là 5,4 triệu m2).
Trong đó, tính riêng ở khu vực miền Bắc và chung cho cả nước, Hà Nam và Bắc Giang là 2 tỉnh dẫn đầu việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Ở miền Trung, Quảng Nam và Thanh Hóa đã có 14.000m2; phía Nam là các tỉnh Hậu Giang (2.558m2), Vĩnh Long (6.000m2), Tiền Giang (6.000m2)...
|
Kiểm tra mô hình đệm lót sinh học chăn nuôi lợn ở Hà Nam. (Ảnh : Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam) |
Có thể thấy, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã thể hiện ưu thế vượt trội khi giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nhân công (do không phải tắm cho vật nuôi, không phải rửa chuồng) và giảm thiểu tiêu tốn thức ăn, chấm dứt tình trạng mâu thuẫn giữa các hộ dân vì ảnh hưởng của mùi chất thải trong môi trường.
Công nghệ chăn nuôi mới này đang phát triển nhanh, góp phần tăng sức đề kháng cho lợn, tăng chất lượng thịt và trọng lượng của lợn. Đơn cử như Hà Nam – tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng phương pháp này, sau 3 năm triển khai (2011-2013), đã có những tiến bộ vượt bậc, thu về kết quả vô cùng khả quan. Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nam nêu rõ, nếu năm 2010 chỉ có 15 hộ dân với 250m2 chuồng trại ứng dụng công nghệ này thì đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 3.012 hộ dân áp dụng với diện tích 45.000m2. Thực tiễn trên địa bàn, việc đẩy mạnh sử dụng đệm lót sinh học đã chấm dứt được bệnh tai xanh, tăng mạnh số đàn lợn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, giảm thiểu bệnh dịch, bảo vệ môi trường sống, khắc phục được những ảnh hưởng từ tập quán chăn nuôi truyền thống, nhờ đó, phát triển toàn diện ngành nông nghiệp ở địa phương.
Tới đây, trên cơ sở phát huy kết quả tích cực, rút kinh nghiệm từ triển khai trong thực tiễn, Cục chăn nuôi, các nhà khoa học sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình tạo ra đệm lót sinh học trong chăn nuôi; sớm tổng kết thực tiễn xung quanh thiết kế chuồng trại theo hướng chọn ra những thiết kế ưu việt theo yêu cầu chống nóng, mật độ, độ bền đệm lót; nghiên cứu triển khai đồng bộ các mô hình cung cấp men vi sinh sử dụng trong chuồng nuôi để người nông dân dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, cũng cần xác định hiệu quả kinh tế của mô hình này để hiệu suất lao động của nông hộ đạt hiệu quả cao nhất. TBởi tất cả đều nhằm mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung theo hướng gia tăng giá trị và đảm bảo bền vững./.